Review sách Văn học

Ánh Sáng Vô Hình: Viết chuyện chiến tranh để làm gì?

 

Tôi đã ngồi nguyên một ngày, uống trọn hai cốc cafe và đọc hết 627 trang sách.
Đã rất lâu, tôi không đọc như vậy. Tôi đọc dai dẳng, thỉnh thoảng ngồi đần ra một lúc, rồi thỉnh thoảng ngẫm lại, tôi đã sai rồi. Trước đây, tôi vẫn nói, chuyện chiến tranh, à chuyện xưa cũ ấy, khép lại được rồi. Sao người ta cứ phải viết mãi về nó, đay nghiến lại những chuyện chiến tranh, những mất mát hiển nhiên của chiến tranh, sự tan hoang, nỗi đau đớn, sự tàn bạo, sự khắc nghiệt. Chao ôi, toàn những chuyện cũ lắm rồi.

Ấy vậy mà, tôi đã đọc ánh sáng vô hình, không sót một đoạn nào, nghiêm cẩn đọc.
Chiến tranh ấy mà, vẫn cứ tồn tại như thế.
Nhưng viết về chiến tranh, có quá nhiều điều để viết.
Ánh sáng vô hình, Anthony Doerr cũng là một dạng lựa chọn.

Ánh sáng vô hình là câu chuyện đan xen về hai nhân vật Marie Laure, sống ở nước Pháp cùng cha và chàng trai Werner, sống ở nước Đức cùng em gái.
Marie Laure bị mù khi lên sáu tuổi vì bệnh đục thủy tinh thể.
Chàng trai Werner mồ côi cha mẹ vì một vị sập hầm mỏ, sống trong trại trẻ mồ cô và được xem là một “thần đồng” trong việc xử lý những chiếc điện đài.

Hai cuộc đời tưởng chừng như cách xa nhau, rất xa, cho đến khi chiến tranh nổ ra, và đưa họ gặp nhau.
Chiến tranh trong Ánh Sáng Vô Hình vẫn độc ác và đầy bạo lực.
Anthony Doerr chỉ cần một vài phân đoạn nhỏ để phác họa cái chất bạo lực ấy của loài người.

Trong trường huấn luyện của Đức, nơi Werner theo học, trong mỗi buổi tập một đứa trẻ sẽ bị gọi lên, và thầy giáo sẽ hỏi “ai là kẻ yếu kém nhất”, và chúng phải chỉ ra một đứa nào đó. Sau đó đứa bị coi là yếu kém nhất sẽ bị bao vây trong sự truy đuổi, bạo lực ráo riết cho đến khi chúng không thể chịu đựng được nữa.
Không phải bom đạn, không phải những thân người phơi đầy ngoài đường, sự tàn khốc của chiến tranh đã bắt đầu từ đây, nơi của những đứa trẻ.

Chuyện chiến tranh ấy, bạo lực ấy thì vẫn chẳng có gì mới, nhưng Ánh Sáng Vô Hình vẫn là một thứ ánh sáng khiến tôi muốn ngắm nhìn.

Ánh sáng ấy khiến bóng tối của chiến tranh trở thành thứ có thể chịu đựng được, Khi mà có một cô gái mù say sưa đọc Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển, một người đàn ông hai mươi năm không ra khỏi nhà, phiêu lưu trên thế giới bằng Hành Trình Của Con Tàu Beagle, của Darwin, khi có một cậu bé mộng mơ, luôn ngước nhìn lên “như thể cậu ta đang tìm kiếm thứ gì đó trên trời”, và thỉnh thoảng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đọc thơ Goethe, khi có một chàng trai Khổng Lồ, và thô lỗ vẫn nằm lọt thỏm trong ghế nghe những bản nhạc cổ điển ủy mị…


Sau này khi chuyển về thành phố cổ Saint – Malo, trong những lúc ở nhà, Marie Laure và ông Etienne cùng đọc cuốn sách Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển, tôi nghĩ, đó là cảnh tượng đẹp nhất của chiến tranh. Nó khiến tôi nhớ đến cô bé trong Kẻ Trộm Sách, khi cô vẫn cố gắng kể những câu chuyện, ở dưới hầm, lẫn trong những tiếng dội bom. Vâng, giọng nói và những cuộc phiêu lưu trong thế giới khác, thật kì lạ, nó khiến ta bớt sợ hãi.

Và giọng nói, chính giọng nói là mối liên kết sâu thẳm kết nối Marie Laure, Werner, Etienne, Jutta… giọng nói từ những chiếc máy thu thanh đã nhen nhóm tình yêu khoa học trong Werner, đem đến một thế giới mộng mơ cho Jutta, là nơi lưu giữ kí ức đẹp đẽ về người anh trai của ông Etienne, và là thứ đã cứu sống Marie Laure.

Máy thu thanh cũng giống như một sợi chỉ đỏ, âm thầm nối những tâm hồn con người lại trong chiến tranh. Để họ gặp nhau, để tạo nên những điều tốt đẹp cùng nhau, trong chiến tranh.


Tôi còn nhớ ngày xưa khi tôi chiếu phim Still the water, NT đã bảo rằng, khi xem phim chị ấy luôn nghĩ tại sao tôi lại thích phim này (vì theo chị, phim ấy không phải là một bộ phim hay), rồi tôi nói rằng, khi tiếp xúc với phim/ hay sách, hay một bản nhạc, tôi luôn bắt vào những chi tiết, tức là khi nhìn tổng thể, có thể tôi không thích, nó không phải một tổng thể hoàn hảo, nhưng tôi luôn chăm chú vào chi tiết.

Nói thì dài dòng, nhưng cũng chỉ để quay lại câu chuyện, những gì tôi viết ra ở trên là những điều tôi bắt được trong Ánh Sáng Vô Hình, Tôi dừng lại rất lâu trước những điều đó, như để thưởng thức, thưởng thức cảm giác về “thiên đường”.

Trong cuốn sách này, âm nhạc luôn cất lên được một tiếng nói êm dịu đến khó tả. Như Leonard Cohen đã từng nói “Đừng lo, chúng ta xấu xí thật đấy nhưng chúng ta vẫn còn âm nhạc.” Bản nhạc ngắn Clair de lune đã đi suốt dọc dài những năm tháng đời người của các nhân vật, vang lên như một bản “thánh ca”, của niềm an ủi, và xâm lấn.
Khi bản nhạc Clair de lune từ từ vang lên, ranh giới của các bên trong chiến tranh dường như bị xóa bỏ.

 


Giống như trong đoạn phim kinh điển của The Pianist, khi bản nhạc Ballade No. 1 in G minor của Chopin vang lên. Tôi thề là, tôi đã từng tin rằng đó là bản nhạc của Chopin mà tôi thấy hay nhất, khiến tôi rung động nhất, từng chút từng chút một, khi những ngón tay rung trên phím đàn, như một giọt sương rất lấp lánh, cất lên tiếng hót từ cỏ cây. Kí ức chiến tranh lùi đi rất xa, chỉ còn âm nhạc hiện diện như luôn hiện diện khắp trong các mạch máu của đời sống này.

Erich Maria Remarque, Hemingway, Leo tonstoi, Svetlana Alexievich… và cả trăm ngàn nhà văn khác đã viết về chiến tranh rồi, chuyện cũ kĩ lắm rồi, nhưng bởi vì hiện tại, còn có những người như Anthony Doerr mà chuyện cũ chưa khép lại được.

Nhưng viết chuyện chiến tranh để làm gì?
Ừ, để bảo rằng, “nỗi buồn chiến tranh” thì có thật, như cách cuộc sống vận hành đầy tàn bạo và cũng đầy nên thơ. Chiến tranh rồi sẽ đi đi qua, để “chúng ta lại được sống lại trên những thảm cỏ. Trong những đóa hoa. Trong những bài ca”.

 

Phong Linh

Ảnh: Phong Linh, internet

Trả lời