Review sách

BA TÔI – TIỀU PHU THI SĨ

Có người nói thơ ông có chất Bùi Giáng, có người lại nói có thiền vị và nét phóng khoáng của của Tuệ Sĩ thiền sư.

Tôi chỉ thấy ông và họ có một điểm chung: hấp thụ tinh hoa của nền giáo dục và văn chương miền Nam thuở ấy. Như một nhà văn – một người anh tôi yêu mến – đã nhận xét khi đọc bản thảo thơ đầu tay của ông: Người này chịu ảnh hưởng của văn chương đô thị miền Nam.

Nhà văn ấy đã bắt mạch đúng giọng thơ Trương Đình Tuấn – ba tôi.
Nói là ảnh hưởng văn chương đô thị miền Nam chứ thực chất người không có ngày nào làm gã thư sinh Sài Gòn.

Người trai ấy lận đận long đong qua các tỉnh lẻ, huyện lỵ nghèo, nơi nào cũng bám víu lấy những tiệm sách cho thuê, những thư viện, quầy sách, háo hức chờ đón những ấn phẩm văn chương đương thời và thầm ao ước một ngày trở thành nhà văn. “Văn chương đô thị miền Nam” ngấm vào ông từ thuở ấy, qua từng tuần san, nguyệt san và những quyển sách của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng đương thời của miền Nam.

Chàng trai đó sớm phải gác bỏ mộng văn chương, nghiệp bút nghiên để cầm cây rìu cây rựa. Giữa chốn rừng sâu chặt lồ ô, vẫn vương vấn câu thơ: “Giọt máu rơi tôi ngỡ là mực đỏ”. Câu thơ đó người viết trong cuốn nhật ký những năm tháng tuổi trẻ gian nan, và một con nhóc mới bập bẹ đọc chữ như tôi đã in dấu trong lòng hình ảnh giọt máu rơi khi lưỡi rìu sượt qua tay mà chàng thư sinh ngỡ là giọt mực tuổi hoa niên còn dang dở cơn mộng. 

Người là Tiều Phu Thi Sĩ.

Những đứa con chúng tôi nối tiếp nhau ra đời. Người đã thật sự bỏ giấy bút để tiếp tục cầm cày cầm cuốc lam lũ trên đồng quanh năm suốt tháng. Nhưng khi đứa con nhỏ là tôi cầm trang giấy trắng và cây bút xanh ra nhờ ba vẽ cho bông hoa phượng thắm, nào ngờ đâu đã đánh động tâm can sâu thẳm: nhành phượng tuổi học trò và tuổi hoa niên vừa mới rợi đó đã thành dĩ vãng. Người đã bỏ cây cuốc đang san đất ruộng sang một bên, chùi hai bàn tay đầy bùn vào quần rồi ngồi bệt xuống bên bờ ruộng, chân ngập trong ruộng bùn mùa mưa, nắn nót vẽ nhành phượng và đề thêm câu thơ. 

Phượng này tôi đã về đây
Một mình đứng lại sân đầy vọng âm
Nói chi ngàn lá thì thầm
Buồn chi ngàn nắng phân vân úa chiều

Con nhóc 4 tuổi đứng ngẩn ra nhìn hình ảnh người nông phu ngồi bệt bên bờ ruộng, mồ hôi lấm tấm trên mặt, cây cuốc một bên, bàn tay lấm láp bùn cầm lấy bút và đi những đường bay bướm.

Chàng thư sinh gác bỏ mộng văn chương, khoác áo cũ lên rừng chặt lồ ô, ra ruộng đồng đánh bạn với cái cày cây cuốc, xuống phố chợ lận đận cuộc mưu sinh…, vẫn không quên nhành phượng thắm, giọt mực đỏ, tà áo dài và ánh mắt giai nhân. Vẫn viết thơ trên rừng thẳm, bên bờ ruộng, trên vỏ bao thuốc lá hay thùng giấy carton đựng trái cây giữa chợ trong buổi ế hàng. Đó là những vần thơ chắt chiu từ long đong cơm áo, và từ ký ức đằm thắm nhất, đầy dấu ái nhất của cơn mộng thi nhân.

Sau tập thơ đầu tay VẠT NẮNG, những tâm tình không giấu giếm với gót ngọc, mắt xưa, với đầy nỗi niềm quê xứ, THƯƠNG HOÀI NGƯỜI DƯNG là tập thơ thứ hai của Tiều Phu Thi Sĩ ra đời, là một tầng bậc cảm xúc khác. Ở tập thơ thứ hai này bút lực phóng khoáng hơn, nuột nà hơn những đường thi tứ, khí chất hào sảng bộc lộ rõ hơn.

Thương Hoài Người Dưng, những tứ thơ đằm thắm, dịu dàng mà nhuộm chất phong trần bụi phủ, là món quà đẹp dành cho những ai mến yêu một trời hoa mộng cũ. Người dưng, người dưng…, dấu ái hoài vương vấn. Ai cũng có một “người dưng” mãi mãi là người dưng mà không nguôi thương nhớ. Thương Hoài Người Dưng là một tỏ bày chung cho những kẻ tình si, si tình với tà áo dài, ánh mắt giai nhân, si tình với giấc mộng thi ca như một mạch ngầm âm ỉ chảy.
Và như thế Tiều Phu Thi Sĩ mãi lãng du trên con đường thơ của mình, miệt mài ghi chép cảm xúc, miệt mài chọn chữ đặt vần, tiều phu nhất mực và hào hoa nhất mực.

c u ối c h â n t r ờ i
người về tận cuối trời gió cuốn
buồn vui như trang giấy trắng thờ ơ
ta – vách núi tựa bóng ngày phai lãng
nắng bờ sông sao vẫn nắng như mơ

ai đốt khói góc rừng nghi ngút
mắt đồng bằng sầu bộ lạc khôn nguôi
ta – ga xép tựa vai chiều dĩ vãng
đóa hoa cười sao mấy thuở còn tươi

cũng trần ai vì ai mà lận đận
qua truông đèo viết vội một đôi câu
thả xuống dòng sông sao vẫn nắng
như mơ xanh không hề biết bể dâu

hào hoa rắc lên mưa lấm tấm
ngói cổ trầm ngâm ngóng nẻo chim bay
và câu cuối xin treo lên đỉnh tháp
phất phơ ngày tơ tóc cuối trời say

n g à y h à o h o a
rượu của suối hương ngàn nhiễm độc
bóng chiều tê ngã ngựa biên đồn
em cung thủ ngắm lên trời xanh từ đó
hào hoa ngày ta thọ nạn thọ ân

trúng hồng tâm mọc câu thơ cứu khổ
sóc nhỏ cười chi nửa miệng khinh cừu
và cứ thế ngó ta bằng nửa mắt
chảy về đâu nguồn ngọn cũng luân lưu

rượu của sông mây trời cố quận
quay mòng ngất ngưởng khói lên cao
ta nợ rừng từng bông hoa dại
từng dốc dài ngửa mặt đỉnh hoang vu

ta nợ em câu truyền kiếp giận hờn
trả chưa hết nên leo lên vách đá
đồng bằng ạ bãi cồn hoa lấm tấm
hào hoa ngày bụi bặm rắc lên ta

k ệ a n h
thì kệ anh lần đân theo bước
chân o về cho hết khúc đường hoa
đừng háy nguýt cho nghiêng thành quách
lòng ni như lụt lội sẵn rồi

lòng ni như hóa một con sông
chảy qua nhà o mấy thu đông
câu thơ lượm trước nhà o kín cổng
mốt mai tê sẽ tím như bông

thì kệ anh đỏ bầm chùm phượng
đu đưa trong mắt của o tề
o mô biết cả mùa hoa rực rỡ
sẽ theo anh qua mấy sơn khê

tiếng chim hót đôi lần rồi bay mất
bỏ sớm mai đậu lại cuối đường
thì kệ anh cứ làm ngói cổ
rêu phong ngày o vén màn sương

(Trích từ tập THƯƠNG HOÀI NGƯỜI DƯNG – Thơ Trương Đình Tuấn)

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN

[products ids=”6823,3813,3469,3195,3194,3193,1308″ columns=”3″]

Trả lời