Mỗi sáng đi bộ trong công viên, tôi thường đưa tay chạm vào hàng cây ven đường, lần lượt, từ gốc cây to đến thân cây mảnh khảnh, từ cổ thụ thân xù xì đến những cây non xanh mướt.
“Chạm” chứ không phải “đụng”, “sờ”, “tựa”. “Chạm” là tôi đặt cả lòng bàn tay mình áp vào thân cây, cảm nhận “làn da” thô ráp của vỏ cây, bao nhiêu nắng gió, bao nhiêu ý nghĩ đời sống, và cả linh hồn của cây… đang chạm vào tay mình.
Và tôi hình dung cây cũng đang cảm nhận sự tiếp xúc của cả bàn tay tôi, từ làn da đến mạch máu, từng tế bào… vào cây. Một sự tiếp cận có ý thức và tình cảm, tôi tin rằng cây “cảm” được.
Hay ít ra, tôi cảm được một sự chia sẻ thật sự giữa mình và cây, giữa lòng mình với thiên nhiên, như một sự trân quý, biết ơn.

Khi tiếp xúc ai đó mình yêu quý, tôi thường rất cảm động với một cái nắm tay. Một cái nắm tay rung cảm của người thương, một cái nắm tay chia sẻ của người bạn, hay là một sự níu giữ, dựa dẫm, tin cậy của con trẻ, khi cả bàn tay con nắm níu lấy ngón tay của mẹ, dung căng cất bước trên đường.
Nắm tay không chỉ là “chạm” giữa bàn tay với bàn tay, đó là “chạm” tới tâm hồn người kia bằng một cái nắm khẽ, một cái chạm. Cái chạm đó không suồng sã, không vồ vập mà là một chạm khẽ dịu dàng, tạo nên thứ cảm xúc không lời. Một cái nắm tay, không nói gì nhưng nói rất nhiều.

Tôi vẫn thường hay đan tay mình vào bàn tay bé xíu của con gái, để chạm làn da mỏng, chạm tiếng cười vui, chạm ánh mắt trong veo của con đang nhìn tôi âu yếm.
Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, được đặt lên trên ngực mẹ, “da tiếp da”, để tạo sự gắn kết mật thiết đầu đời giữa mẹ và con. Đây là phương pháp y khoa phổ biến trên thế giới để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện, và người mẹ do được cận kề da thịt con ngay sau sinh, tương tác tốt với bé, về mặt tinh thần sẽ tốt hơn nhiều, gia tăng tự tin và khả năng chăm sóc con sẽ tốt hơn.
“Da tiếp da”, đó là cú chạm đầu đời của bé sơ sinh, là sự tiếp xúc dịu dàng đầu tiên con nhận được từ mẹ, khi con vừa rời khỏi “địa đàng lòng mẹ” (*). Cũng là tiếp xúc yêu thương đầu tiên của người mẹ trẻ với đứa con mình, một sự “chạm” đầy ý nghĩa và xúc cảm thiêng liêng.
Sự tiếp xúc thường xuyên giữa mẹ và con, qua cái ôm đầu tiên “da tiếp da”, cái nắm tay, qua ánh mắt nhìn, qua cái hôn chạm khẽ trên trán, qua vòng tay dịu dàng, là sự kết nối tự nhiên bền vững mà không bà mẹ nào muốn bỏ lỡ. Và với những đứa con, những cái “chạm” yêu dấu đó như một ký ức dịu êm, là cái nôi dễ chịu bình an cho con mãi đến khi con trưởng thành, dù ở nơi đâu thì sâu thẳm trong lòng vẫn nhớ về những cái chạm đầy yêu thương đó.
Cũng có đôi khi, mẹ con tôi ngồi trên ban công, nhìn những đám mây trắng bồng bềnh lơ lửng, con gái buột miệng: “Mẹ ơi, ước gì mình chạm vào được đám mây mẹ nhỉ!”
“Chạm vào đám mây”, một ý muốn và cảm xúc đẹp làm sao. Nghe con nói, tôi cũng tưởng tượng như mình chạm vào được cái mềm, mịn, xốp và mát lành của đám mây kia. Và hẳn là con cũng đang hình dung mình chạm mũi vào cánh mây, mà nghe mát lạnh như một que kem, êm xốp như một cây kẹo bông. Dù đám mây vẫn bay trên cao và mẹ con tôi vẫn ngồi ở ban công chiêm ngưỡng, nhưng một khi con khởi lên mơ ước đó, là ý nghĩ đã chạm vào cụm bông xốp mềm kia rồi.

Những ý nghĩ nên thơ, những cái chạm khe khẽ rung sợi dây xúc cảm giữa người và người, giữa người với cuộc sống và thiên nhiên quanh mình, là mối giao cảm cần thiết để tạo nên một tấm tình đẹp đẽ cho con trẻ.
Là mảnh đất tươi xanh để tâm hồn con chạm tới những giá trị hồn hậu và cảm tình thực chất, là neo đậu tin yêu vững chãi, trong một bối cảnh nhiều ảnh ảo không gian ba chiều như đời sống hiện tại.
TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN
(*) ý thơ Đỗ Hồng Ngọc
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021