Tháng Năm, nắng vàng không rót mật.
Nắng vàng như đổ lửa thiêu rụi mọi thứ.
Người người xe xe bị cuốn vào vòng xoay mỗi ngày lặp đi lặp lại: vẫn phải đi lại, vẫn phải bon chen, phố phường vẫn phải bận rộn.
Điện tăng, xăng tăng, cơm rau cá thịt các loại phí đều tăng, dù muốn dù không con người ai cũng phải ngổn ngang thế sự.
Ô hay thời nào con người ta lại chẳng ngổn ngang thế sự?Những nỗi lo, cau có, muộn phiền mỗi thời mỗi khác, chạy theo thứ vật chất hiện hữu của thời đại ta sống. Con người luôn muốn cái mình chưa có, luôn có thứ để không hài lòng, để phàn nàn, rồi lại tiếp tục hoà mình vào đó mà sống, mà trăn trở, mà tâm trạng băn khoăn, bâng khuâng các thứ.
Đó là những nỗi phiền muộn hữu hình có thể gọi tên.Con người dường như luôn cố để bận rộn, cố để suy tư với những lo lắng hữu hình, để quên đi, né tránh… những suy tư, những nỗi lo lắng, bất an mơ hồ, sâu thẳm, không thể gọi tên, không dám gọi tên…Nếu bây giờ, một trận đại hồng thuỷ, hay một cơn chấn động địa cầu xảy ra, mọi thứ nhanh chóng thành tro bụi. Ta biến thành hạt bụi tan lẫn hư không.
Thì ta có còn than van hôm nay trời nóng quá, mong mãi chẳng thấy cơn mưa?
Ta còn tổn thương khi lời nói vô tình của ai ghim gút vào tim?
Ta có dừng xe tranh hơn thua khi người nào đó lỡ va quẹt vào xe mình.
Ta còn thèm muốn một món đồ hiệu xa xỉ chưa mua được?
Trong cơn cuồng nộ của vũ trụ, ta chỉ là hạt bụi của hạt bụi. Ta còn đáng kể gì?
Những hờn giận buồn vui oán trách còn đáng kể gì?Ngày nhỏ, khi còn là một cô bé con ở quê, tôi thường được có những buổi đêm không trăng nằm trong cái nong nhìn lên bầu trời đầy sao. Ba nói, mỗi ngôi sao bé tí kia to hơn cả trái đất. Trái đất to hơn nước Việt Nam tôi đang sống, đất nước to hơn thành phố, thành phố to hơn huyện lỵ nghèo của tôi. Và trong huyện lỵ nghèo có làng xóm, có mái nhà tranh bé tí nơi tôi đang cư ngụ. Vậy tôi là gì so với ngôi sao kia? Trong vũ trụ này có bao nhiêu tỉ tỉ ngôi sao như vậy? Tôi là gì giữa vũ trụ mênh mông? Tôi chỉ là hạt bụi của hạt bụi.
Từ đó, tôi luôn ôm trong lòng một câu hỏi: Tôi là ai? Tôi từ đâu chui vào bụng mẹ? Khi chết đi, tôi sẽ đi về đâu?
Những câu hỏi của trẻ thơ luôn mang tầm triết học mà người lớn không bao giờ muốn trả lời.Những đứa trẻ lớn lên, thôi thúc muốn biết về câu trả lời cũng nhạt dần đi, nhưng chưa bao giờ là mất hẳn. Những đứa trẻ đã lớn đó còn bận rộn ngổn ngang thế sự mà!
Nhưng rồi trong hành trình cuộc sống, chứng kiến sự đến và đi, hợp rồi tan, những đứa trẻ chào đời và những người già chết đi, câu hỏi về sự sống và cái chết luôn trỗi dậy âm thầm và ở đâu đó trong thâm tâm. Người ta không tìm được câu trả lời thoả đáng. Vì thế giơí sau khi chết luôn là điều bí ẩn, tột cùng bí ẩn. Mấy ai đi đến đó còn quay về để mà kể lại, mà minh chứng về một thế giới sau sự chết?
Và cuộc sống, vẫn luôn diễn ra với muôn hình vạn trạng thể thức. Người tốt xen lẫn người xấu, tử tế đi cùng tàn độc, người thiện lương gặp bất hạnh, người tráo trở nhởn nhơ vinh thân phì da. Đứa bé con là tôi luôn cảm thấy đau lòng với những bất công, những điều vô lý, luôn thốt lên đau đớn: sao điều đó lại có thể xảy ra? Sao chân thành được đổi lại giả trá? Sao người hiền gặp kẻ bạc ác? Có thật là có ông trời không? Và ông ở đâu? Sao ông không có động thái nào để giữ lấy sự công bằng?
Người lớn thường nói: cuộc đời này làm gì có công bằng, phải chấp nhận thôi.
Tiếc thay, tôi mãi là đứa trẻ. Tôi luôn đòi hỏi sự công bằng và tin rằng, tử tế phải được đối đãi bằng tử tế, chí ít là như vậy.
Dần dà, tôi mới thấm thía câu chuyện cổ Phật giáo: vì sao thái tử Tất Đạt Đa chỉ một đêm trốn cung điện lẻn ra đường, nhìn thấy cuộc sống phơi bày những trò chơi đen bạc, ngài đã rũ áo gấm ngai vàng vợ đẹp con ngoan mà ra đi, tìm đạo, tìm chân lý gì đó, thật ra chỉ là tìm một lời giải đáp cho những sự vô lý ở cõi đời này.
Người đã nói nôm na cho người bình dân dễ hiểu: đời là bể khổ. Nhưng tôi chưa bao giờ thoả mãn với câu nói đó. Tôi muốn biết tận căn nguyên, cội nguồn cuộc sống.
Có lẽ ai cũng luôn có mong muốn đó, trả lời được câu hỏi: mình là ai, mình sẽ đi về đâu sau khi rời cõi tạm này?
Những quyển sách tâm linh viết về sự sống và cái chết, về những điều huyền bí ở cõi người và cõi khác, luôn có sức thu hút cả Đông lẫn Tây phương là như vậy. Những quyển sách cất giấu lời giải đáp, những câu chuyện kể huyền bí về thế giới tâm linh, hứa hẹn sẽ trả lời câu hỏi muôn đời của nhân loại: có thật là có một thế giới sau khi chết? Và con người, và cuộc sống này phải chăng chỉ là một hạt bụi trong vòng quay sinh tử, trong cõi bao la của lớp lớp thiên cơ nhân quả trùng trùng?
Và ta không chỉ là ta. Ta là tha nhân, ta có mặt trong tất cả và tất cả hiện diện trong ta. Vậy ta cần chi hơn thua được mất trong cõi tạm nhỏ nhoi trong mắt nhìn hạn hẹp của xác phàm?
Trong khi chờ tìm được câu trả lời, tôi luôn ý thức rằng mình chỉ là hạt bụi của hạt bụi, bay trong vũ trụ này. Hữu duyên, những hạt bụi tụ hợp. Hết duyên những hạt bụi ly tan. Đó cũng là điều thường tình ở cõi đời cõi người. Vậy có cần quá đau khổ khi vuột mất điều mình vô vàn yêu quý, vô vàn quan tâm?
Tất nhiên, đằng sau những hạt bụi là câu chuyện cội nguồn căn nguyên và luôn có lý do, nhưng đó cũng là những triết lý siêu hình không phải người đời nào cũng thấu tỏ.
Vậy thì thôi, chuyện tìm và biết còn cần nhiều cơ duyên. Rốt cuộc, ta là hạt bụi thì hãy bay không vướng mắc. Đời người chỉ là sát na so với vũ trụ vô tận này mà thôi.
Trăm năm cũng như giấc mộng thoảng qua trong thoáng chốc.
Chuyện nhân gian rồi hoá bọt bể, còn ai hay?
(TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN)
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021