“Ở đó có những tháng năm buồn tênh, khốn khó quyết nuôi tình duyên…”
Bao nhiêu người đã đến Sài Gòn, cũng đã không thể bỏ Sài Gòn mà đi nơi khác, có nhiều lý do, mà lý do to đùng cũng vì lẽ mưu sinh.
Và để rồi… dù thanh xuân như một chén trà, một cơn mưa rào, hay như những gì đi nữa, thì những năm tháng thanh xuân của chúng ta, của quá nhiều người, của gần như tất thảy những người đang sống ở Sài Gòn, dân gốc (quá ít) và dân nhập cư (rất nhiều), đã trải qua ở đây, nơi mảnh đất này, mảnh đất nhiều ánh sáng đất lành chim đậu mà cũng có những khoảng tối nào đó đất đã nhậu luôn chim rồi người ơi.
Bao nhiêu cảnh người và bao nhiêu mảnh đời… bao nhiêu năm tháng trải dài cùng gánh mưu sinh đó, mà đi qua bao nhiêu câu chuyện.
Có thể Sài Gòn đã không phải là nơi chúng ta đã sinh ra (như tôi). Và cũng không phải là nơi đã định hình nên tính cách từ thời thơ ấu.
Có thể Sài Gòn chỉ là nơi sống khi chúng ta bắt đầu đi học xa nhà, rời khỏi những người thân quyến, là nơi khi chúng ta bắt đầu đi làm,…
Vậy mà chúng ta đã và sẽ trải dài hầu hết những năm tháng cuộc đời nơi đó mất rồi.
Nơi có thể đã ghi dấu những rung cảm đầu đời, nơi bắt đầu cho tình yêu đầu đời, cho công việc đầu đời,… gặp người sẽ là chồng là vợ, rồi sinh ra những đứa con trên mảnh đất này, chúng lớn lên coi Sài Gòn thành nơi chôn rau cắt rốn, là ta biết ta phải gắn bó với Sài Gòn rất nhiều năm sau nữa và có thể sẽ kéo dài đến… hết đời.
Đây đã là nơi mà nước mắt, nụ cười và mồ hôi rơi xuống nhiều nhất trong cuộc đời bao người lựa chọn đỗ bến.
Sài Gòn, nói yêu thì hơi quá, yêu cái gì mà trăn trở ở hay về nhiều đến vậy, yêu cái gì mà thương hoài ngàn năm còn nhớ đau đáu xứ khác, cái xứ miệt vườn miền tây nào đó hay miết mải phương bắc quê cha đất mẹ xa xôi,… Ở giữa lòng Sài Gòn còn có biết bao quán ăn đặc sản xứ khác, buôn bán đắt khách, vừa vì lòng người Sài Gòn hồn hậu, đón nhận văn hóa ẩm thực xứ khác mà cũng vì giữa lòng Sài Gòn có biết bao nhiêu người hồn hậu nhớ quê hương.
Nên tự dưng nghe tiếng “thương” từ cuốn sách “Sài Gòn, thương còn hổng hết” của Hoàng My nghe đúng đến thế, thật thà đến thế.
Thương cho những hăm hở bắt đầu vào đời, cho những mặn mòi thất bại, cho những sai lầm nông nổi, cho những nhọc nhằn mưu sinh, cho những khoảng lặng bị lãng quên đi vì Sài Gòn quá ồn ào, vội vã,…
Thương cả những giây phút thấy “thành phố coi đông đúc vậy, mà lẻ loi lắm”, thương cho “nhiều người ôm giấc mơ”, cho những mong ước vội vã đổi đời của cậu trai taxi, hay cho những chi tiêu tằn tiện eo hẹp mà giàu lòng tự trọng của cô gái tuổi ba mươi đang sống với đồng lương ba đồng ba cọc giữa phố thị phồn hoa,…
Thương cho những người xe ôm nghèo mà tính bao đồng, ôm lo cho chuyện của khách,…
Thương cho những người già dường như đang dần bị lãng quên, cho “ra khỏi cuộc chơi” của guồng quay vồn vã Sài Gòn,…
Sài Gòn được nhìn qua đôi mắt của Hoàng My thương đến thế!
Với ngôn ngữ rặt nam bộ, với góc nhìn, ngòi viết mềm mại, tỉ mẩn rặt… phụ nữ, Hoàng My chạm vào những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi mà phải là phụ nữ mới thấy ra được.
Nếu như có những giọng văn viết về Sài Gòn hào sảng, phóng khoáng, mở lòng ra mà bao dung hết người hết đời, nếu như có những giọng văn viết về Sài Gòn một thời đã qua đã nhớ còn hoài niệm trong những món ăn, những kỉ niệm xưa cũ đã đánh mất không bao giờ tìm lại được, thì ở những trang văn của Hoàng My, ta lại thấy những góc nhìn Sài Gòn trong hẻm của một Sài Gòn nay, với sự chạnh lòng mênh mang cho những mảnh đời, đâu đó trong những ngóc ngách Sài gòn, của một người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn.
Một sáng Sài Gòn nhẹ nhàng, chúng tôi lang thang nơi đã từng ghi dấu bước chân những ngày đầu hẹn hò đi dạo trên những con đường có lá me bay như thế, như đường Nguyễn Du, đường sách Nguyễn Văn Bình,… Bước chân giờ đây không chỉ có hai con người tứ xứ đến Sài Gòn lập nghiệp, mà còn thêm em bé của chúng tôi, em bé sinh ra giữa lòng Sài Gòn và sẽ trải qua những ngày thơ ấu nơi này,…
Tình cờ chúng tôi đi ngang chương trình giới thiệu sách của Hoàng My, tình cờ nghe lên những câu hát mà thương đến thế, thương như những trang viết trong cuốn sách “Sài Gòn, thương còn hổng hết”…
“Ở đó có những tháng năm buồn tênh
khốn khó quyết nuôi tình duyên
đã trốn thoát qua nhiều phen”*
Thương như một khoảng buồn nhớ mênh mang những câu chuyện đã đi qua. Nơi ấy, Sài Gòn, tuổi trẻ của chúng ta, đâu chỉ có thời thanh xuân rực rỡ sôi động, mà còn có cả những ngày rất lẻ loi giữa phố xá đông người, cũng có những ngày hoang mang mất định hướng,…
Bao nhiêu người trong chúng ta ngồi nghĩ lại đời mình mà ngậm ngùi cho chính mình, nhớ những ngày đã đi qua, đặc biệt là những ngày mới chân ướt chân ráo bước vào Sài Gòn, chẳng có gì ngoài ước mơ. Ở đó, vẫn biết Sài Gòn là chốn sôi nổi và năng động, nhưng cũng có những chốn nào đó, trong một con hẻm nhỏ, có những tháng năm buồn tênh, rất nhiều cho những người trẻ đã đến từ những miền quê nghèo, đang trải qua những ngày “khốn khó quyết nuôi tình duyên” như thế.
Ôi những mối tình duyên của họ, trong cuộc đời này, từ đó mà thành danh, thành nghiệp,…
Nhiều lần rơi tõm tưởng như xuống đáy nỗi buồn, đã tưởng chán chường hết thảy mà rời bỏ Sài Gòn, thì lại có nhiều bàn tay đưa ra. Đứng lên em, đến đây, làm lại… Sài Gòn luôn luôn có chỗ cho người trẻ, Sài Gòn luôn luôn có chỗ cho những người dám thất bại và sửa sai, Sài Gòn luôn luôn mở lòng để mọi người dễ dàng an cư mà lo lạc nghiệp,…
Sài Gòn đãi người như thế, mà tuổi trẻ ai chẳng có những lúc say sưa, sai sửa,… để đến những ngày sắp bước qua cái ngưỡng biết mình “không còn trẻ nữa” để chậm dừng lại nghĩ suy, nghĩ về một “Sài Gòn, thương còn hổng hết”, chúng ta lại được dìu qua những trang viết chành chạnh mắt buồn cho những chuyện đời [biết đâu cũng có ta trong]…
Tuệ An
(*) Lời bài hát “Em có nhớ căn nhà xưa” của Nguyễn Đình Toàn
Hình chụp sách “Sài Gòn, thương còn hổng hết”: Sinh Thái
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021