Tập truyện ngắn Đâu Phải Cái Gì Cũng Mong Manh của nhà văn Đoàn Thạch Biền do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in năm 2018. Sách phát hành cùng lượt với tác phẩm các nhà văn của Tuổi NTrgọc cũ: Mường Mán, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Những đầu sách này nằm trong tủ sách Thiên Đường Không Tuổi được nhà xuất bạn tuyển chọn và in đã mang lại cho bạn đọc Tuổi Ngọc ngày xưa cả một trời ký ức dấu yêu.
Tủ sách Thiên Đường Không Tuổi có nghĩa là tủ sách của tuổi thanh xuân mãi ở lại thiên đường tuổi trẻ. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cùng các tác giả trên đã có những tác phẩm trong trẻo dễ thương dành cho tuổi mới lớn, những tác phẩm này mãi ở lại trong lòng độc giả từ hơn 40 năm trước, cho độc giả những ấn tượng khó phai về dòng văn chương viết cho tuổi học trò để ký ức sau này mãi đẹp thơm tình trang giấy vở.
Tập truyện ngắn Đâu Phải Cái Gì Cũng Mong Manh gồm 17 truyện ngắn, gồm 17 chuyện tình, mà chuyện tình là đề tài muôn thuở của các nhà thơ nhà văn từ xưa đến nay, tùy mỗi cách kể chuyện của mỗi tác giả đưa chúng ta về một miền không tuổi, đó là miền yêu thương bất tận trong hiện tại và hoài niệm khôn nguôi ở tương lai.
Những tựa đề của các truyện ngắn gợi tính tò mò cho độc giả về người con gái mà mình sắp đọc như: Tân “Diễm Xưa”, Kim Oanh, Pha Lê, Cô gái hát bộ, Cô gái bắt chuột. Và có nhữn tựa đề như thơ: Ví dụ ta yêu nhau, Sông Hương có nói chi mô, Dòng sông chảy về hướng Tây.
Truyện ngắn “Ví dụ ta yêu nhau” đã được đầu tiên đăng tuần báo Tuổi Ngọc năm 1973. Ví dụ như nhà văn Duyên Anh -Vũ Mộng Long sơ suất bỏ qua cái truyện ngắn này hồi ấy thì chắc gì bây giờ đã có một nhà văn nổi tiếng Đoàn Thạch Biền?
Và chắc gì ông nhà văn chủ bút tòa soạn Tuổi Ngọc hồi ấy viết được cái truyện ngắn “Ví dụ ta yêu nhau” như Nguyễn Thanh Trịnh (bút hiệu trước đây của Đoàn Thạch Biền) hay quá và dễ thương quá, một truyện ngắn từ thuở trình làng đã tạo nên tên tuổi cho một nhà văn.
Ảnh: Nhà văn Đoàn Thạch Biền thời dạy học ở Phan Rí, Ninh Thuận, khi viết truyện Đâu phải cái gì cũng mong manh, 1974.
Trong truyện ngắn Ví dụ ta yêu nhau, nhân vật “cô gái” và “tôi” đều có tính ngang ngạnh như cua. Và thật thú vị khi đọc đến đoạn cô gái mỉm cười: – Ông cũng ngang như cua. Tôi chỉ là cua đồng, còn ông cua biển.
Chính những khúc đối thoại tưởng như tiểu tiết như vậy đã làm ngọn gió nhẹ thổi hồn thi vị cho tác phẩm, và cho độc giả liên tưởng đến tính cách của nhân vật chỉ nhờ một lời thoại ngắn ngủi.
Đoàn Thạch Biền có giọng văn tưng tửng mà cuốn hút, lời đối thoại thật thông minh pha dí dỏm làm nên một chất đặc trưng riêng của cách hành văn.
Trong truyện ngắn Trái tim bằng gỗ thông, có một điều bất ngờ là Đoàn Thạch Biền đã đưa mùi nước mắm của Phan Rí vào truyện. Đó là hương vị đặc trưng của quê hương mà không phải nhà văn nào cũng dễ đưa vào tác phẩm của mình vì nước mắm có mùi “đặc trưng” quá. Chính nhờ hương vị nước mắm này mà nhân vật tôi trong truyện đã có công ăn việc làm và quen được với cô gái có Trái tim bằng gỗ thông. Kết thúc câu chuyện tình, trước khi chia tay về Đà Lạt học, cô gái nói:
“ – Ông là một con mọt…
Chúa ơi! Một người bảnh bao như tôi mà có hình dáng như con mọt sao? Cô bé bị loạn thị chăng?
– Ông là một con mọt kinh khủng, đã ăn ruỗng trái tim bằng gỗ thông của em! “
Đó là một trong nghìn lời thoại thông minh và gieo ấn tượng “kinh khủng” cho độc giả của văn Đoàn Thạch Biền!
Trong truyện ngắn Sông Hương có nói chi mô, tác giả kể câu chuyện cũng của nhân vật một chàng trai xưng “tôi” và một cô gái Huế bị câm bán bánh khoái. Độc giả chùng lòng thương cảm cho một cô gái đẹp, thông minh mà bị bịnh câm từ nhỏ. Vẫn vào đoạn cuối kết thúc truyện. Câu văn khiến chúng ta phải xúc cảm rồi ngẫm nghĩ đến điều kỳ diệu của nhà văn muốn truyền tải về “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”:
“Em khẽ nắm tay tôi lắc lắc. Rồi em cúi xuống viết vào cuốn sổ tay của tôi để trên bàn. “Ông cần em phải nói, ông mới hiểu? Sông Hương có nói chi mô mà người ta cũng hiểu nó”.
Nhân vật nữ trong các truyện ngắn của Đoàn Thạch Biền thường xưng “em” và gọi chàng trai bằng “ông”. Như đây là cách xưng hô trong tác phẩm mà nhà văn đã… xí chỗ trước, không lẫn lộn với ai cả để làm nên một phong cách riêng biệt Đoàn Thạch Biền.
Tôi mê các nhà văn của Tuổi Ngọc từ trước 1975. Ví dụ hồi ấy tôi không mê truyện ngắn Ví dụ ta yêu nhau của Đoàn Thạch Biền thì tôi mãi mãi là anh chàng lù khù nói năng lắp bắp khi đứng trước “đối phương” của mình. Nhờ đọc và thấm văn của anh, tôi trở nên thông minh hơn, tự tin hơn, chắc vậy rồi, nên tôi mới không để tuột tay “cô nàng” sinh ra để dành cho mình.
Nếu các bạn không tin, hãy thử đi tìm đọc bất cứ truyện ngắn nào của nhà văn Đoàn Thạch Biền!
Và điều miên viễn nhất, bất tận nhất là bắt đầu từ khi mê văn của Đoàn Thạch Biền, là tôi đã được chính thức bước vào Thiên Đường Không Tuổi. Nhờ dòng văn chương trong trẻo ngọt ngào này đã thấm vào từng mạch máu, tâm hồn tôi sẽ mãi mãi thanh xuân!
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021