Review sách

Đi tìm vẻ đẹp trong “chuyện may rủi”

Tác giả: Cynthia Kadohata

Dịch giả: Khuê Tú

Summer phóng tầm mắt bao quát không gian, khắp nơi chỉ toàn là lúa mì. “Bên kia quốc lộ vẫn là lúa mì. Chẳng đi đâu khác được ngoại trừ đi tới những cánh đồng lúa mì khác, và chẳng làm gì ngoại trừ đi qua những cánh đồng lúa mì.” Đó là khung cảnh trong Chuyện may rủi, tiểu thuyết thiếu nhi của nữ nhà văn người Mỹ gốc Nhật Cynthia Kadohata, qua cái nhìn của cô bé Summer mười hai tuổi.

Chuyện may rủi kể về mùa hè trong cái năm mà Summer cho là toàn những chuyện xui xẻo xảy đến với cả nhà mà bắt đầu bằng việc cô bé bị bệnh sốt rét. Bố mẹ trở về Nhật để thăm nom họ hàng, chỉ còn Summer cùng với ông bà ngoại và em trai Jaz ở lại bang Kansas làm việc kiếm tiền trả khoản vay thế chấp. Summer nhớ mùa hè ấy vô cùng, bởi bao điều mới mẻ xảy đến đã khuấy động tâm hồn đứa trẻ mười hai tuổi khiến cô bé thay đổi và trưởng thành, hiểu về tình yêu gia đình, cuộc sống xung quanh và chính bản thân mình.

Chuyện may rủi được trao Giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ, là cuốn sách thứ hai của Cynthia Kadohata được xuất bản tại Việt Nam, sau tác phẩm đầu tiên được yêu mến: Kira Kira.

Bà ngoại Obaachan, ông ngoại là Jiichan, Ba, Mẹ, Summer và cậu em trai Jaz, là một gia đình người Nhật sống ở Mỹ. Cả ông và bà đều đã sáu mươi bảy tuổi. Trong lúc ba mẹ đi vắng, Jiichan lái máy gặt thuê, Obaachan nấu ăn cho thợ gặt, còn Summer giúp việc cho bà.

Qua cái nhìn của Summer, Cynthia Kadohata đã mô tả rất chi tiết và đầy hiểu biết về đời sống của người lao động trên đồng lúa, nơi họ làm việc mười sáu tiếng một ngày chạy đua với những cơn mưa có thể đổ xuống bất chợt phá hỏng vụ lúa chín. Đó là cuộc sống mà Summer hiểu rằng gia đình mình không có cơ hội để mắc sai lầm: “Lỡ chúng tôi khiến công việc này đi tong, thì khoản vay thế chấp kia chúng tôi sẽ trả thế nào? Lỡ chúng tôi bị mất nhà thì chúng tôi biết sống ở đâu?”

Summer chứng kiến Obaachan chịu đựng những cơn đau lưng thường xuyên còn Jiichan thì luôn làm việc quá sức. Thế mà cả nhà dường như lại chẳng hòa hợp được với nhau. Lúc nào Obaachan cũng tỏ ra khắt khe với cô bé. Ông bà cũng cãi cọ vặt vãnh suốt và chẳng ai chịu nhường ai. Với Jaz, mọi người luôn phải dè chừng khi nói chuyện với nó bởi nếu không vừa lòng, thể nào thằng Jaz cũng đập đầu vào bất cứ thứ gì xung quanh!

Trong không khí gia đình ấy, Summer còn phải đối diện với những vấn đề của riêng mình. Cô bé lần đầu tiên trải qua cảm giác thích một cậu bạn trai, cảm giác ghét một người đến mức muốn họ bị té văng ra khỏi xe, rồi lần đầu đối mặt với những sai lầm nghiêm trọng mà tự mình phải giải quyết lấy.

Cynthia Kadohata đã cho thấy tâm hồn trẻ thơ tinh tế và nhạy cảm với mọi chuyển động của đời sống bên ngoài cũng như cảm xúc bên trong. Từ khi bị sốt rét, Summer biết rằng mình có thể bỗng nhiên lăn đùng ra chết bất cứ lúc nào, rằng cuộc sống là “thứ xảy ra bất chợt” chứ không phải điều sẽ kéo dài vô tận. Cô bé nghe lời Jiichan học cách thiền, mở lòng ra đón nhận mọi người và tìm hiểu cuộc sống. Nhưng cũng có khi mọi vấn đề hỗn độn kia khiến Summer thấy mình chẳng hiểu được một từ nào trong toàn bộ thế giới này, chẳng hiểu nổi một ai và thậm chí không hiểu nổi chính mình.

 

Khoảnh khắc chứng kiến Jiichan kiệt sức đến độ không thể làm việc được nữa còn Obaachan hối tiếc vì những điều không thể làm cho gia đình, Summer đã có một quyết định quan trọng và dũng cảm nhất từ trước đến nay: cô bé sẽ thay ông lái máy gặt lúa mì.

Hành động mạnh mẽ ấy đã dẫn Summer đến thời khắc vỡ òa khi hiểu ra cõi lòng mình, rằng “mình không khóc vì sợ, mà chính là vì ông bà tôi đã làm việc cật lực, và vì thằng Jaz không có lấy nổi một người bạn ở trường, và vì tôi biết là ba mẹ tôi kỳ vọng vào công việc của họ biết nhường nào, và tôi không dám chắc là họ sẽ đạt được kỳ vọng ấy”.

Cũng như trong Kira Kira, Cynthia Kadohata một lần nữa đã cho thấy gia đình là nơi nuôi dưỡng và cũng là lý do khiến cho một người trở nên mạnh mẽ, quyết tâm hành động không vì gì khác ngoài sự yên ổn của những người mình yêu thương. Khi đó, gia đình là nơi dẫn bước ta trưởng thành.

Summer nhận ra rằng nằm sâu bên trong lời nói và hành động tưởng chừng đơn giản và vô tư của ông bà là một tình yêu lớn lao. Như Obaachan luôn để ý nghe ngóng mọi chuyện xảy ra với cô bé. Bà giảng giải về lối cư xử đúng mực và tử tế đồng thời cũng để Summer tự chủ trong hành động. Những cuộc cãi nhau vặt vãnh của ông bà cũng chỉ vì ai cũng muốn giành phần đỡ đần công việc của người kia. Đấy chính là wabi-sabi, vẻ đẹp cao quý đằng sau vẻ ngoài xù xì mà Jiichan đã dạy cho Summer, cũng là lời nhắn gửi của Cynthia dành cho độc giả. 

Giờ đây, wabi-sabi trong mắt Summer là “vẻ đẹp của lao động cần mẫn – hai cái máy gặt đập liên hợp đang chạy chầm chậm bên nhau, mặt trăng đang trôi trên đồng”. Wabi-sabi còn là nỗi lòng và câu chuyện riêng sâu thẳm bên trong mỗi người, chờ được lắng nghe, khám phá để được cảm thông và yêu thương. Nhất là, chuyện may rủi không còn giống như một cơn sốt khó chiều đến và đi khi nó muốn nữa, mà là cơ hội cho một người tự quyết hành động, tìm kiếm vận may của chính mình. Đó cũng lại là wabi-sabi, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan và lòng dũng cảm trong hoàn cảnh khó khăn.

Qua trải nghiệm của Summer, độc giả được gợi nhắc về sự quý giá và vẻ đẹp của từng thời khắc cuộc sống, cả khi bình yên lẫn lúc trắc trở.

Kira Kira và Nửa Vòng Trái Đất của Cynthia Kadohata

Với ngôn từ giản dị và lối kể chuyện nhẹ nhàng, Chuyện may rủi đã gửi đến mọi trẻ em lời nhắn nhủ về cuộc tìm kiếm bản thân ở thế giới xung quanh, biết nhìn ngắm vẻ đẹp ẩn sâu nơi mọi người và vạn vật, từ đó bình thản đón nhận và vượt qua chuyện may rủi như một phần của quá trình trưởng thành.

Cùng với Kira Kira và Nửa Vòng Trái Đất, Chuyện may rủi của Cynthia Kadohata xứng đáng là chiếc neo vững chãi cho mọi tâm hồn trẻ thơ nương bước vào đời.

Nguyên Hằng

Nguồn: sachhay.vn

Bản quyền bài viết thuộc trang sachhay.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi copy bài viết. Xin cảm ơn.

Trả lời