Một Thời Ngang Dọc
Thi sĩ Bùi Giáng là một người yêu thích truyện võ hiệp đã nhận định: “Đọc truyện vũ hiệp là một trong phép tu dưỡng ký ức và khơi nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy ngẫm. chưởng lực, kiếm thế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần phát hiện. Riêng đối với bạn thi sĩ, sách vũ hiệp có thể giúp bạn làm thơ lai láng một cách không ngờ. điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng phát khởi tại một cội nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”
Nói đến truyện võ hiệp, phải nhắc đến nhà văn Kim Dung, đại thụ văn học võ hiệp của Trung Quốc đã làm biết bao độc giả say mê những tác phẩm của ông như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Tiếu Ngạo Giang hồ, Ỷ Thiên Đồ Long Kiếm, Lộc Đỉnh Ký. ..Với ngòi bút của mình, Kim Dung đã làm say mê hàng triệu độc giả trên thế giới
Về truyện võ hiệp Việt Nam, các tác giả của loại văn học này chỉ đếm trên đầu ngón tay, và nhà văn Hoàng Ly đã nổi bật hơn tất cả với tiểu thuyết võ hiệp dã sử Một Thời Ngang Dọc, một thời nổi tiếng là truyện võ hiệp hay nhất của nước ta. Ông viết rất khỏe, liên tục cho ra đời hàng loạt feuilleton (truyện đăng nhiều kỳ trên báo) với các truyện Kỳ Nữ Sông Kỳ Cùng, Người Điên Áo Thụng, Hận Loa Thành, Tráng Sĩ Không Tên…Nhà văn Hoàng Ly đã được người ta đặt tên tuổi cho là Vua Feuilleton.
Nhà văn Hoàng Ly tên thật là Đỗ Hồng Nghi (1915- 1981), sinh tại Hải Hậu- Nam Định trong một gia đình có truyền thống Nho học và thi phú. Ông có hai người con đều là nhà thơ: Hoàng Linh và Mai Trinh Đỗ Thị
Tiểu thuyết Một Thời Ngang Dọc của Hoàng Ly viết lấy bối cảnh khi đất nước của chúng ta còn chịu sự đô hộ của nước Pháp. Khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt và đày sang Algeria, Tôn Thất Thuyến cầm đầu một số quan quân bôn tẩu sang Long Châu (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động chờ thời cơ để về khôi phục giang sơn. Tôn Thất thuyết đã mang theo số vàng lớn của triều Nguyễn, khi đi đến bờ sông Đà ở Lai Châu (Tây Bắc) ông đã chôn giấu toàn bộ kho tàng này ở một địa điểm bí mật, và nơi này đã được vẽ lại một tấm bản đồ để sau này có thể tìm kiếm lại để chiêu binh mãi mã kháng Pháp để lấy lại sơn hà.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Hồng Lĩnh, một chàng trai người Kinh, có cha là chiến sĩ yêu nước hoạt động chống Pháp, bị tên phản bội Trần Tắc báo cáo cho Pháp bắt đưa đi xử tử. Tiếp tục theo con đường đấu tranh của cha, Hồng Lĩnh đã bỏ lên miền núi Thập Vạn Đại Sơn làm anh hùng thảo khấu nơi vùng sơn lâm lạc thảo, thu phục được nhiều bộ hạ theo mình. Chàng có tài thiện xạ, bắn súng bách phát bách trúng nên được giới giang hồ đặt cho cái tên là “Thần Xạ Đại Vương”. Trên đường hoạt động trả nợ nước báo thù nhà, chàng đã giải cứu cho Phượng Kiều, oái ăm thay Phượng Kiều chính là con gái yêu của kẻ thù của mình là Trần Tắc. Phượng Kiều đang bị bọn thổ phỉ Thoòng ở Cao Bằng bắt để làm con tin bắt buộc Tri châu Trần Tắc đổi lại nửa tấm bản đồ mà chúng cho là Trần Tắc đang giữ. Trần Tắc biết được người đã cứu con gái mình là Thập Vạn Đại Sơn Vương nên đã tìm mọi cách để giết hại, may nhờ có Phượng Kiều tìm cách bảo trợ, chàng đã thoát thân được và lưu lạc đến xứ sở của người H’mông ở Hoàng Su Phì và được thủ lĩnh của H’mông giúp đỡ. Khi Trần Tắc dẫn quân Pháp đến đây để tìm bắt Hồng Lĩnh, tên quan tri châu này đã bị bọn thổ phỉ Hoàng Liên Sơn bắt được và tra khảo nơi giấu nửa bản đồ cất giấu kho báu. Hồng Lĩnh đã giết được Trần Tắc trả thù nhà và lấy được nửa mảnh bản đồ. Sau đó chàng được thủ lĩnh H’mông trao lại cho nửa mảnh kia, đem ráp lại để tìm lại kho vàng của triều Nguyễn, dùng để chiêu tập nghĩa sĩ chống lại quân Pháp để khôi phục lại đất nước.
Tiểu thuyết Một Thời Ngang Dọc đã được lấy bối cảnh là miền sơn cước bao la hùng vĩ hoang sơ Tây Bắc của nước ta, nhà văn đã dẫn dắt độc giả đến những quang cảnh sơn thủy kỳ thú nơi sơn cùng thủy tận của Việt Nam. Chúng ta đọc, cảm thấy thân quen với non sông gấm vóc của miền Tây Bắc tổ quốc thiêng liêng, được hòa nhịp vào tiếng vượn hú véo von từ truông núi xa xôi, tiếng chim ríu rít xanh thẳm đại ngàn, tiếng suối nguồn róc rách hồn nhiên vô tận đưa con người đến với thiên nhiên núi rừng để sống với cõi an nhiên không còn có nỗi âu lo phiền muộn của nhân thế.
Những tiểu thuyết dã sử, đường rừng bao giờ cũng đưa chúng ta hoài niệm về thời gian đã mất mà những bóng dáng triều đại xưa vẫn còn trầm mặc dưới dòng sông lịch sử. Nhà văn Hoàng Ly đã có nhiều nơi đi đây đi đó, đã có bề dày trải nghiệm về văn hóa các dân tộc miền Việt Bắc, mới có những tác phẩm cuốn hút và đi vào lòng người đọc như vậy.
Các tiểu thuyết của Hoàng Ly mở ra dòng văn chương tân phái võ hiệp đặc thù, nội dung đề cao đặt tình yêu đất nước lên trên hết, nêu cao đạo lý làm người trượng nghĩa trượng phu, thấm đẫm nhân văn tình đất tình người cao cả.
Ông có lối hành văn mạch lạc, gọn gàng, trong sáng. Là tác giả chuyên viết feuilleton nhưng như không hề bị áp lực thúc bách “viết cho kịp thời gian”, các tiểu thuyết của ông tuôn mạch tự nhiên đến từng câu từng chữ như đã được tác giả hoàn chỉnh cẩn trọng từng câu từng chữ từng lời. Qua các tác phẩm của ông, chúng ta biết thêm từng tập tục, đặc tính độc đáo của từng vùng sơn cước nơi địa đầu biên giới đất nước thân yêu.
Tiểu thuyết Một Thời Ngang dọc xứng đáng là tác phẩm hay nhất của dòng văn học võ hiệp Việt Nam. Xứng đáng được để trên giá sách của mọi gia đình
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021