Khi hiểu về trẻ “VIP” và hành trình cha mẹ đồng hành cùng các con, bạn sẽ nhận ra ngay rằng, có một đứa con bình thường là điều may mắn biết chừng nào.
Khi người mẹ với hết sức âu yếm và thương yêu ôm lấy con, nhìn con đắm đuối, thì đứa trẻ dửng dưng xa lạ, lấy tay đẩy ngược mẹ ra, lòng người cha mẹ nào không nghẹn đắng.
Khi những tiếng khóc thét dằng dặc những đêm dài, những bận đập phá đồ đạc tanh bành, những cú húc đầu vào tường như không biết đau đớn của đứa trẻ bị chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ, tâm hồn người cha người mẹ như chìm ngập trong đêm đen tuyệt vọng.
Những người cha mẹ ấy có thể tuyệt vọng, có thể phát điên, có thể muốn buông xuôi tất cả, nhưng cũng chính ánh mắt ngây thơ vô cảm mà có sức mạnh hơn mọi thứ trên đời, đã kéo họ đứng dậy, bắt đầu một cuộc trường chinh đồng hành cùng với con. Bắt đầu từ đó, họ dần dần đặt chân vào thế giới riêng biệt ấy, chạm vào những tâm hồn mong manh, hiểu từng ánh mắt và những cử chỉ khác thường, để dần dần đưa con hòa nhập với thế giới bên ngoài. Như một cái hôn dịu dàng, một bàn tay trìu mến khẽ khàng đánh thức những tâm hồn ngủ quên lâu quá, ẩn mình sâu quá trong trùng trùng mê lộ nội tâm.
Vì dù thế nào, đó cũng là đứa con máu thịt của họ. Những đứa trẻ đã chọn cha mẹ ấy, gia đình ấy để đến, để được yêu thương và ở lại trong đời. “Dù thế nào, con vẫn là con của mẹ…” Đâu còn điều gì thiêng liêng và đầy sức mạnh hơn sự thật ấy.
Chúng ta, những người ngoài cuộc chẳng thể nào đong đếm được nhọc nhằn trong hành trình gian nan đó. Chúng ta cũng không thể giúp gì nhiều hơn một sự quan tâm, một tấm lòng muốn đồng cảm với họ. Nếu đủ kiến thức và sự cảm thông, ta sẽ thấy trong mỗi đứa trẻ ấy là một tâm hồn khác biệt mà chỉ những trái tim đầy cảm xúc mới có thể chạm tới.
Những ánh mắt ngơ ngác, những bàn tay trơn tuột đi không cầm nắm được thứ gì, những tràng âm thanh vô nghĩa không ngừng phát ra trong sự bất lực đau đớn của bố mẹ. Nhưng ẩn sâu trong các bạn ấy là những thiên tài toán học, thiên tài âm nhạc hay hội họa. Bằng chứng là có những em có năng khiếu bẩm sinh với các con số, hay vẽ rất đẹp mà bức vẽ nào cũng đầy ý tưởng, những bản nhạc thiết tha vang lên bất chấp năng lực bình thường của một đứa trẻ bình thường bé chưa có được. Phải chăng, vì khiếm khuyết những thứ bình thường của người bình thường, mà những tài năng thiên bẩm có cơ hội đươc đào sâu khoan nhọn để phát tiết tinh hoa? Có tài liệu từng cho rằng Einstein và Newton cũng bị hội chứng tự kỷ đó thôi.
Ẩn sâu bên trong cơ thể vụng về và vẻ ngoài lạnh băng với đời sống đó, có khi là một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, đầy lòng trắc ẩn mà chưa chắc một con người bình thường có được. Như bạn Be (nhân vật trong ĐÁNH THỨC BAN MAI) đã đau xót khi thấy bố cắt tỉa cành cây, thốt lên rằng: “Ba! Tại sao mình phải cắt chúng, có thể nào để yên được không? Biết đâu chúng cũng có nỗi đau như mình, chỉ là mình không hoặc chưa hiểu chúng thôi”. Tôi lặng người khi nghe Be hỏi cha xứ: “Thưa cha, tại sao Chúa lại quá bất công, trao cho con người quá nhiều quyền năng hơn những loài vật khác, để con người có thể làm nhiều điều như là tàn phá thiên nhiên.” Một đứa trẻ tự kỷ 10 tuổi biết suy nghĩ trước sau, ở với bà nội 9 ngày mà chỉ ở với bà ngoại 4 ngày, sợ bà sẽ buồn… “Be chịu được, Be nhịn được, ở thêm cho bà ngoại vui, lâu lâu mình mới về một lần…” Cái sự biết nghĩ này thử hỏi trong trăm nghìn đứa trẻ bình thường, có đứa trẻ nào được như thế? Điều này làm tôi hồ nghi rằng, những em bé được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, là những tâm tình nhân chi sơ tính bản thiện rõ ràng nhất. Có lẽ khi bị biệt lập trong thế giới riêng mình, dù do sự vô tình hay cố ý của mọi người xung quanh, các em đã giữ trọn vẹn được bản chất tốt đẹp nguyên sơ sâu thẳm nhất và tâm hồn nhạy cảm tinh tế nhất.
Nhưng, khổ tâm nhất vẫn là người làm cha mẹ, khi có một đứa con “đặc biệt”, một đứa trẻ VIP, hay là một bệnh nhân của chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nuôi một đứa con bình thường đã khó, nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ đặc biệt khó gấp vạn lần. Nếu chỉ là người ngoài cuộc ngồi gõ phím, không thể nào lạm bàn về công khó đó của những cha mẹ đặc biệt ấy. Điều đáng lo ngại là, không phải cha mẹ nào cũng sớm biết con mình bị tự kỷ. Có những triệu chứng đã bị bỏ qua, cho đến khi muộn màng. Có những thời gian đáng lẽ dành cho con trẻ thì đã bị công việc cuốn đi. Cũng có khi cha mẹ không chấp nhận được sự thật con mình là đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ…
Nhận biết sớm, chấp nhận sự thật và đồng hành cùng con, đó là một hành trình đầy gian nan mà những cha mẹ trẻ VIP buộc phải lên đường. Nếu có thể, chúng ta, những người bình thường may mắn, hãy cùng chia sẻ phần nào dẫu chỉ về mặt tinh thần, bằng cách ngồi xuống và làm bạn với những đứa trẻ. Như tác giả Nguyễn Thị Việt Hà của ĐÁNH THỨC BAN MAI nhắn nhủ: “Chỉ cần bạn mỉm cười và làm như những bạn nhỏ ấy thôi, không cần thêm gì nữa, sự cảm thông đã thể hiện đầy đủ rồi.”
Riêng tôi, tôi vẫn băn khoăn rằng, phải chăng những gì trong trẻo nhất, tinh khiết nhất, đẹp đẽ nhất lại nằm trong tâm hồn những đứa trẻ ấy, những đứa trẻ chưa tìm được mối dây liên lạc với cuộc đời này.
TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN
==================================================================================================
Ngày nay Hội chứng trẻ tự kỷ đang ngày càng lan rộng tuy nhiên có rất nhiều trường hợp các bậc cha mẹ cũng không nhận ra hoặc không thừa nhận, do vậy SÁCH NGHÉ xin giới thiệu một bộ sách thật ý do First News phát hành để giúp cho cha mẹ có thể nhận ra những triệu chứng trẻ tự kỷ cũng như những phương pháp khoa học giúp cho trẻ vượt qua tất cả để có một cuộc sống hạnh phúc.
BỘ SÁCH GỒM 3 CUỐN:
1. ĐÁNH THỨC BAN MAI
Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà
2. THẤU HIỂU VÀ HỖ TRỢ TRẺ TỰ KỶ
Tác giả: TS. Phạm Toàn , BS. Lâm Hiếu Minh
3. KIÊN NHẪN VÀ YÊU THƯƠNG
Tác giả: Yvon Roy Biên dịch: Nguyên Thảo – BS Lê Minh Khôi
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021