Luis Sepúlveda là nhà văn, nhà báo Chile được đông đảo bạn trẻ Việt Nam yêu thích với những câu chuyện viết cho thiếu nhi đậm chất nhân văn, trong đó nổi bật nhất là “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”. Bên cạnh mảng truyện thiếu nhi, tác giả còn có những trang viết rất xuất sắc về môi trường, về những vấn đề nhân sinh… với giọng văn bay bổng, lời văn mượt mà cảm xúc như “Hoa hồng sa mạc”.
Tác phẩm như một cây xương rồng bé gai góc vậy. Người thì khen vẻ đẹp, sức sống của nó, người thì khó chịu với vẻ ngoài của nó. Nhưng tôi tin chắc rằng, những ai yêu văn chương thật sự, đọc sách không chỉ đọc nhanh, lướt vội cốt lấy số lượng và ra vẻ hiểu biết thì đây là một cuốn sách đáng đọc bởi vẻ đẹp của ngôn từ và những thông điệp giàu ý nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vấn đề môi trường luôn được thế giới quan tâm thì chủ đề thiên nhiên xanh và con người mãi xanh được đề cập đến trong tác phẩm khiến ta phải chú ý.
Cuốn sách là một tập truyện mà phần nhiều các trang viết là dành cho thiên nhiên như “Một đêm trong rừng Aguaruna”, “Hòn đảo thất lạc”, “Xứ sở của tuần lộc”, “Hoa hồng sa mạc”, “Một anh chàng Lucas nào đó”… Luis Sepúlveda đã mở ra trước mắt tôi một thế giới long lanh của ngôn từ, nồng nàn của cảm xúc. Cách kể, tả của ông khiến lòng ta phải rạo rực biết bao. Hãy xem cách ông diễn tả ánh sáng nhập nhoạng lúc hoàng hôn buông xuống qua giọng văn tình tứ, lả lơi “Khi sự kháng cự yếu ớt của ánh sáng ban ngày êm ái buông lơi trước vòng ôm xâm chiếm của bóng tối…”. Hãy xem cách ông dựng lên bức tranh đêm tưng bừng sự sống nơi rừng sâu “Màn đêm đang ép mọng nước trái cây, đánh thức đam mê ở côn trùng, làm dịu nỗi bất an của chim chóc, làm mát da lũ bò sát, truyền lệnh nhảy múa cho đám đom đóm”. Dành cho thiên nhiên sự ưu ái, nên những lời văn của ông cũng trau chuốt, gợi tả, gợi cảm vô cùng. Người đọc sẽ vô cùng mãn nhãn với sư quan sát tinh tế, cùng những nhận xét, so sánh, ví von, liên tưởng đậm chất thơ và đầy mê hoặc của nhà văn Chile này.

Ông dùng tấm lòng, sự nâng niu khi ngợi ca vẻ đẹp muôn màu của thiên nhiên rồi sau đó mài sắc đầu bút chiến, biến nó thành thanh gươm sáng lóa chĩa thẳng vào kẻ thù của muôn loài: Những kẻ phá hoại thiên nhiên vì mưu cầu lợi ích cá nhân. Những câu chuyện như “Theo dấu Fitzcarraldo”, “Cá voi Địa Trung Hải”… là tiếng kêu khẩn thiết của tác giả trước tình trạng báo động về nạn hủy hoại môi trường. Ông dẫn ra những minh chứng đầy đau lòng. Con người có hô hào bảo vệ môi trường đó nhưng “Đó có là thể gọi là năm của rừng, thế rồi rừng vẫn tiếp tục bị đốt phá, biến mất khỏi địa cầu trong sự dửng dưng tuyệt đối của các chính phủ cẩu thả lơ đễnh tham gia ký hiệp ước bảo vệ phát triển rừng”. Còn năm được xem là năm khí quyển thì sao?, “Những nước công nghiệp cũng chẳng vì thế mà ngừng phát thải khí làm thủng tầng ô zôn và là nguyên nhân làm lớp vỏ Trái đất nóng lên”. Mẹ biển, người đưa vòng tay ôm trọn trái đất, nuôi sống con người, đem lại cho chúng ta biết bao lợi ích cũng bị đối xử tàn tệ. Nó bị bóc lột như một đứa nô lệ da đen khổ sở thời còn phân biệt chủng tộc rõ rệt “Bị đánh bắt đến nhiều loài bị tuyệt chủng, bị làm nhục bởi đủ loại hình đánh bắt phi pháp”. Những sự kiện liên tiếp qua lời vạch tội, kể tội con người của tác giả khiến tôi phẫn nộ quá đỗi. Và chắc hẳn đó cũng chính là tâm trạng của mỗi bạn đọc khi tiếp cận với quyển sách này. Trừng mắt tố cáo, luận tội những kẻ tham lợi, phá hủy thiên nhiên tươi đẹp quanh ta, Luis Sepúlveda dường như còn thông những trang văn mà lên tiếng kêu gọi mọi người hãy giang tay cứu lấy thiên nhiên cũng là bảo vệ mạng sống của con người.

Nếu như những câu chuyện đầu của tác phẩm, nhà văn trải lòng ra với thiên nhiên thì những câu chuyện sau, ông lại dành “những vùng đất màu mỡ” cho những con người mà chẳng ai để ý đến như trong các truyện “Tình yêu và cái chết”, “Tano”, “Ông hải quan ở Laufenburg”, “Ông vô danh”, “Cô gái tóc nau và cô gái tóc vàng”… Mỗi nhân vật đều có một câu chuyện riêng. Ông xâu chuỗi những câu chuyện, những mảnh đời đó thành một tràng hạt cuộc đời, có thể là điển hình cho biết bao con người ở đất nước ông hay những xứ sở khác. Ông nhẩn nha, nhẹ nhàng kể từng câu chuyện như đang hớp từng ngụm trà nóng một trong đêm đông rồi thủ thỉ chuyện trò cùng một người bạn tâm giao. Chính vì thế mà chất nhân văn, ý nghĩa cuộc sống cứ chực trào ra như nhựa sống từ vết cắt một thân cây. Tôi đọc và luôn ngẫm nghĩ, trăn trở, tự vấn về những câu chuyện đời thường hấp dẫn mà nhà văn tái hiện.

Hoa hồng sa mạc tuy không dày nhưng kiến thức nó mang lại thì ăm ắp, mênh mông. Những tên đất, tên sông, khu rừng, những con người và cả những khuynh hướng chính trị… mà tác giả đề cập đến đã đủ để minh chứng cho vốn tri thức uyên thâm, sự mày mò, tìm hiểu của một con người ham học hỏi và yêu văn chương.
Đáng buồn thay, một con người tài hoa như thế nhưng cũng không đủ thắng được mệnh trời. Đợt dịch bệnh toàn cầu vừa qua cũng là nguyên nhân khiến nhà văn Luis Sepúlveda mãi mãi nằm xuống cùng đất mẹ. Nhưng chắc chắn rằng tài năng của ông sẽ luôn được người đời ghi nhớ.
Trần Thị Thúy Diễm (sachhay.vn)
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021