Mở đầu quyển sách Ăn Ít Để Khoẻ (tác giả: bác sĩ Yoshinori Nagumo, Thái Hà Books) là một câu “tuyên ngôn”: Một bữa là đủ, sao cần phải ba?
Mới nghe về quan điểm này, đa số chúng ta đều sẽ thấy phản khoa học. Chúng ta luôn được đọc rằng, muốn khoẻ mạnh thì mỗi ngày phải ăn đầy đủ chất, đúng giờ, và đủ 3 bữa. Nhiều phương pháp ăn uống khác nhau đưa ra những thực đơn khác nhau, tăng cường rau xanh, ít carb…, nhưng không có ai khuyên chỉ nên ăn một bữa/ một ngày
Nhưng bác sĩ Yoshinori Nagumo đã khuyên như vậy: Ăn Ít Để Khoẻ.
Dựa trên những số liệu về bệnh tật mà con người mắc phải ở thời đại ăn uống no đủ, dư thừa và con người ăn quá mức cần thiết, bác sĩ Yoshinori Nagumo cho rằng, ăn ít lại, cơ thể sẽ khoẻ hơn. Khi đối mặt với cái đói và lạnh, gen sinh mệnh sẽ trỗi dậy, giúp cho con người duy trì thanh xuân và kéo dài tuổi thọ.

Ông còn đưa ra lý thuyết về việc “ăn nguyên con”, đầu ra đầu, da ra da, xương ra xương, như vậy thì cơ thể mới phát triển toàn diện. Muốn “ăn nguyên con” như vậy, buộc người ta hạn chế ăn thịt đỏ (không thể ăn nguyên con), thay vào đó là ăn những loại cá nhỏ, và ăn hết không chừa gì. Cũng như vậy với rau củ quả, ăn từ thân lá rễ của cây rau, ăn từ vỏ đến ruột của trái cây, để cơ thể có đầy đủ dưỡng chất.

Những quan điểm có phần khác lạ của bác sĩ sẽ khiến người đọc nghi ngờ, như: mỗi ngày chỉ cần ăn một bữa, không cần uống nhiều nước nếu không khát, ăn tối xong đi đủ ngay… Nhưng những lập luận của ông sau đó vững chắc và những ví dụ sinh động đã thuyết phục được người đọc.
Và ông không kiêng nể, thẳng thắn nói đây là thời đại “phàm ăn” của con người. Chúng ta đã ăn quá nhiều so với mức cần thiết, khiến cho gia súc gia cầm được nuôi nhốt tăng lên, tạo điều kiện cho bệnh dịch lây lan. Cây lương thực lấn dần cây xanh bảo vệ môi trường sống của Trái Đất, cũng do sự phàm ăn của con người mà ra. Không như động vật trong tự nhiên, chúng chỉ săn mồi khi no. Một con sư tử vừa đánh chén xong thì ngay cả thấy con bò, con thỏ ở trước mặt nó cũng không thèm nhìn.

Chỉ có con người mới ăn nữa ăn mãi, giết chóc vô tội vạ khi không thật sự cần thiết.
Tuy đưa ra những quan điểm khác lạ nhưng bác sĩ luôn giải thích một cách khoa học, dễ hiểu và đầy hóm hỉnh. Ông lấy dẫn chứng từ chính bản thân của ông, tuy là một bác sĩ nhưng cũng từng mắc những bệnh thông thường, và từng luôn âu lo khi ông nội và cha ông (vốn cũng là bác sĩ) mất sớm vì căn bệnh nhồi máu cơ tim. Nỗi ám ảnh đó khiến ông tìm một phương cách tốt nhất để rèn luyện sức khoẻ.


Sau nhiều phen loay hoay thay đổi, ông đã tìm ra được lối sinh hoạt giữ gìn sức khoẻ phù hợp và dễ dàng thực hiện.
Hoá ra phương cách của ông chẳng có gì ghê gớm, chỉ là ngày ăn một bữa, và thường xuyên đi bộ từ nhà đến chỗ làm. Kết quả là tuổi sinh học của ông luôn được chẩn đoán trẻ hơn tuổi đời vài chục năm.
Ông đưa ra một lý luận mà chắc hẳn chị em phụ nữ sẽ rất hào hứng: vẻ đẹp bề ngoài đánh giá sức khoẻ bên trong của con người. Ông lấy dẫn chứng trong tự nhiên: những con đực, con trống luôn khoe mẽ vẻ ngoài của mình trước con cái/ con mái. Thật ra con mái hay con cái không quan trọng đối phương đẹp xấu thế nào, nhưng chính vẻ đẹp về ngoài đó sẽ phản ánh con đực/ con trống đó là một con giống khoẻ mạnh, giúp nó sinh ra những đứa con tốt, duy trì nòi giống cho bầy đàn.

Khái niệm về một cơ thể khoẻ mạnh ở con người cũng tương tự. Ông bác sĩ nhiều lần nhắc đến làn da đẹp và eo thon – mối quan tâm của mọi cô nàng, và cả các anh chàng nữa. Một là da mịn màng trắng mượt và một chiếc eo thon thả, tuyệt vời thay lại phản ánh một cơ thể khoẻ mạnh không bệnh tật. Đó là mong ước của tất cả mọi người. Và để đạt được điều này, theo ông chỉ cần 3 yếu tố: “đói bụng”, “dinh dưỡng đầy đủ”, “giấc ngủ”. (Giấc ngủ vàng theo phân tích của bác sĩ là từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng)

Phương pháp thật hết sức đơn giản, khi bạn đọc những chỉ dẫn giản dị, dễ hiểu của bác sĩ Yoshinori Nagumo trong Ăn Ít Để Khoẻ.
Quyển sách còn mang lại nhiều câu chuyện lý thú và những cảm xúc mới mẻ, đó là cảm nhận của riêng tôi. Cách dùng từ ngữ của ông thật sinh động, hài hước và hình tượng.
Tôi ghi chép được cả một mớ ý tưởng để viết từ những chuyện kể của ông bác sĩ trong quyển sách này.
Đọc quyển sách, chưa chắc bạn sẽ thực hành ngay những điều ông nói, vì mỗi một phương pháp còn cần có sự thích nghi của từng cơ thể và điều kiện sinh hoạt. (Dù phương pháp của ông rất dễ thực hiện). Nhưng chắc chắn rằng, đọc quyển sách này, bạn sẽ được truyền cảm hứng, có những khám phá mới mẻ và được nạp một năng lượng tích cực.

Vì ông không chỉ kể câu chuyện về sức khoẻ. Ông đã truyền cho người đọc lòng yêu đời sống, và một tinh thần chịu trách nhiệm với từng giây phút của cuộc đời mình. Như ông nói, mỗi người chỉ có một quỹ nhịp tim là 2 tỉ lần đập trong cả cuộc đời mình. Nếu mỗi phút tim đập 50 lần thì ta có 80 năm cuộc đời. Hãy trải qua từng ngày sống quý giá của mình mà không để trái tim đập một nhịp nào lãng phí.
(sachhay.vn)
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021