Review sách

Không Nhà – vũ khúc bi tráng của người Mỹ bản địa hiện đại

Không nhà là một tác phẩm sống động và chân thực đến đáng kinh ngạc về đời sống, văn hóa và nỗi đau của người Indians – một dân tộc thiểu số châu Mỹ. Đó là một tác phẩm hay, độc đáo nhưng không phải là dòng văn chương mượt mà, dễ đọc.

Để hiểu Không Nhà, tôi đã phải tạm dừng đọc sách, đi tìm hiểu bối cảnh lịch sử mà Tommy Orange đang đề cập. Người Indians sống tự do, tự tại trên đất Mỹ khi người ta chưa tìm ra “Tân Thế Giới” vào cuối thế kỷ 15. Việc khám phá này đã làm thay đổi hoàn toàn miền đất bình yên, có phần hoang dã ấy như chúng ta đang thấy. Có mấy ai đặt câu hỏi: số phận của những người da đỏ bản địa ra sao? Trước sức mạnh công nghệ hiện đại và sự thực dụng đến lạnh lùng của những vị khách không mời, những người Indians bị co cụm lại ở các “đặc khu” – những vùng đất khô cằn, khắc nghiệt nhất, bị tàn sát để rồi đến thời điểm hiện tại chỉ còn là 1% dân số nước Mỹ.

Với chiến dịch đồng hoá, những người thổ dân được đưa trở lại thành thị – là bước cuối cùng để hoàn thành chiến dịch diệt chủng kéo dài suốt năm trăm năm. Tác phẩm Không Nhà viết về những người Indians đang trong quá trình đồng hóa ấy. Chính vì vậy mà dường như không khí trong Không Nhà lúc nào cũng ngột ngạt, bức bối như trước cơn giông bão.

Mũ lông vũ là một biểu tượng tôn kính của thổ dân da đỏ

Một điểm nữa khiến Không Nhà thực sự trở thành một thử thách cho người đọc chưa đủ lòng kiên nhẫn. Tác phẩm gồm 4 phần với những câu chuyện dường như rời rạc, chắp nối của 12 nhân vật – không có nhân vật trung tâm – ở cả hiện tại và quá khứ khiến người đọc cảm giác như đang đọc một tập truyện ngắn không liên quan, không điểm kết thúc…

Dù rằng khó tiếp cận như thế, nhưng tôi tin rằng với những ai đã kiên trì vượt qua “khó khăn”, Không Nhà sẽ là một tác phẩm thật đặc biệt, đem đến cho người đọc những trải nghiệm lạ lùng, chẳng dễ gì quên.

Mỗi nhân vật trong truyện là một mắt xích của cộng đồng người Indians, đang cố hòa nhập để vừa có thể “sống sót” một cách đúng nghĩa, vừa có thể “tồn tại” theo đúng bản năng, truyền thống của bộ tộc mình. Họ đang sống, đang mơ những giấc mơ về một tương lai nhọc nhằn, chới với, cố để không “biến mất” trên quê hương bản quán của chính mình. “Hãy khiến họ phải mang vẻ ngoài và hành động giống như chúng ta. Trở thành chúng ta. Và thế là họ biến mất”. 

Người Indians phải sống tại những vùng khắc nghiệt nhất

Những cuộc di dân, thay đổi chỗ ở liên tục trong các trại tập trung, những tờ giấy thông báo trục xuất đột ngột xuất hiện mà chẳng hề báo trước, chứng nghiện ngập ngày càng phổ biến trong cộng đồng: nghiện rượu, hút cỏ, nghiện internet, sự phóng túng, buông tuồng trong tình dục… tất cả, tất cả đều khiến cuộc sống của thế hệ người Indians thành thị ngày càng trở nên mờ mịt, chênh vênh.

Với hoàn cảnh sống như thế, người Indians cứ nối tiếp nhau, đắm chìm trong những bi kịch, những sai lầm. Chìm trong men say ma mị từ khi còn trong bụng mẹ, một đứa trẻ đã “say xỉn” từ lúc chưa sinh ra để rồi bị tàn phá cả trí tuệ, hành vi và thể chất bởi hội chứng FAS. Tony Loneman có lẽ chỉ là một trong nhiều đứa trẻ đã mang trong mình sự bào mòn đến rệu rã ấy. 

12 nhân vật chính có thể là chưa đủ để tạo thành một bức tranh toàn cảnh về người Indians hiện đại nhưng cũng vừa đủ để phác họa những nét cơ bản nhất về khao khát được sống, được tồn tại của một tộc người đang bị lãng quên trên chính bản xứ của mình.

Lễ hội Powwow

Đại lễ hội Powwow chính là sợi chỉ đỏ liên kết từ đầu đến cuối tác phẩm, là chất keo ráp nối tất cả những vụn vỡ, bơ vơ của những mảnh đời phiêu bạt. Những bộ regalia rực rỡ màu sắc, những chiếc lông vũ truyền thống trên mớ tóc xoắn đầy đam mê, nhạc nổi lên, người Indians say sưa quay cuồng hòa mình vào vũ điệu hân hoan, rộn rã. Bao mệt mỏi, đắng cay, bao nhức nhối, ê chề đã dừng bước nơi cánh cổng lễ hội. Nơi đây, họ sống, họ tồn tại, họ được là chính mình, họ vội vàng, mê mải quên đi những chật vật, rã rời của cả kiếp người. Lễ hội Powwow trong Không Nhà đến cùng những bất ngờ, sự bất ngờ sẽ khiến người đọc dai dứt và ám ảnh. 

Đọc đến kết truyện, tôi mới vỡ lẽ về sự liên kết chặt chẽ giữa các nhân vật theo các mối quan hệ chằng chịt và cảm thấy thích thú cách kể chuyện tài tình của tác giả.

Không Nhà, như tôi đã nói, là một tác phẩm hay nhưng không hề dễ cảm. Cũng có thể, do tác giả đã quá ôm đồm những ẩn dụ, những biểu tượng, những nhân vật và địa danh, một số đoạn hội thoại dài dòng với chi tiết dường như không ảnh hưởng nhiều đến tổng thể câu chuyện, dễ khiến bạn đọc rối càng thêm rối nếu chưa chuẩn bị cho mình kiến thức căn bản cũng như chưa quen với lối viết đan cài và các câu văn ngắn, sắc.

“Thế giới có trật tự riêng của nó”

Tác giả Tommy Orange là một người da đỏ – một người Indians chính gốc. Thế nên cách anh viết, cách anh xây dựng nhân vật chi tiết đến chân thực, phản ánh rõ nét tâm tư, trăn trở, xót xa của người trong cuộc.

Tommy Orange cũng giống như một nhân vật của Không Nhà, đều mang một hoài bão, một khát vọng, ghi lại một phần lịch sử của người da đỏ, cất lên tiếng nói, nhắc nhở thế giới về cuộc sống bấp bênh, vô định của một tộc người mà lẽ ra, có quyền sống trong sự bình yên, sự bình yên đã bị tước đoạt mấy trăm năm qua. 

Giải thưởng: Không nhà đã được trao Giải thưởng Vàng cho cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Giải thưởng sách California, “Giải thưởng John Leonard” của Giải thưởng sách quốc gia năm 2018 cho cuốn sách đầu tiên với tác giả mới, Giải thưởng PEN Hemingway Foundation/PEN 2019. Là ứng cử viên cho giải Pulitzer 2019.

Hồng Khánh

Nguồn: sachhay.vn

Bài viết được đăng trên sachhay.vn thuộc bản quyền của sachhay.vn; đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn.

Trả lời