Review sách Tùy bút

Làm bạn với con, đừng làm nhà giáo dục

Tất nhiên, nuôi dạy một đứa trẻ nên người luôn là trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ phải là những nhà giáo dục tài năng, khéo léo và kiên nhẫn bậc nhất.

Nhưng với những đứa trẻ, cha mẹ hãy tỏ ra là những người bạn luôn hiểu và đồng cảm với con, hơn là treo cây roi trước mặt con, đưa ra những điều luật nhất nhất bắt con tuân theo.

Trẻ con luôn đầy cảm xúc, chưa có tính kiên nhẫn và sự hiểu biết để hiểu đúng về những lời răn dạy. Nếu cha mẹ luôn cứng nhắc, bắt con nghe theo những lời hay lẽ phải, và trừng phạt lỗi lầm bằng roi, e rằng sẽ phản tác dụng. Đứa trẻ có thể khuất phục ngọn roi, những trận la mắng của cha mẹ, nhưng bên trong thâm tâm không phục và sẽ nảy sinh ý phản kháng. Sự chống đối ngầm tích tụ lâu dần sẽ bùng phát bất ngờ và lúc này cha mẹ sửng sốt, không thể nào hiểu nổi tại sao đứa con ngoan của mình lại trở chứng như vậy.

Thay vì vậy, hãy làm bạn với con từ thời thơ bé. Con là em bé trong nôi, cha mẹ cũng ngọng ngịu giọng điệu trẻ thơ. Con là em bé 1-2 tuổi học nói, sẽ hỏi muôn vàn câu hỏi cái gì, tại sao. Cha mẹ hãy kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi, và cũng nhập vai một em bé 1-2 tuổi để cảm nhận được sự háo hức trước cuộc sống đầy mới mẻ của con.

Con 3-4-5-6 tuổi, mỗi tuổi có những nhận thức khác nhau về cuộc sống, tâm lý cũng thay đổi. Cha mẹ hãy trở thành những người bạn của con, lắng nghe từng câu chuyện nhỏ xíu của con với một thái độ hào hứng thì con mới có hứng thú chia sẻ.

Xin lưu ý, hãy luôn duy trì cảm xúc muốn chia sẻ của con, đừng vì bận bịu quá mà gạt đi: “có chuyện đó cũng hỏi, mẹ đang bận, lúc khác nói chuyện nhé!” Những câu nói như vậy sẽ dập tắt cảm hứng của con, con sẽ cảm thấy thất vọng và thấy cha mẹ thật cách xa.

Khi con bước vào tuổi teen, hãy cố gắng cưa sừng làm nghé, trở thành một cô bé, cậu bé tuổi teen, chịu khó nghe cùng con những ban nhạc mà người lớn chẳng cảm được chút nào, cùng con xem phim, trò chuyện về những idol của con. Đừng phản ứng mạnh với những sở thích, nhân vật thần tượng của con mà cha mẹ thấy không phù hợp. Hãy lắng nghe trước đã, rồi cùng bàn luận, đưa ý kiến ra như một người bạn thân, chứ không phải là một nhà giáo dục cổ hủ khắt khe.

Khi con cảm thấy cha mẹ như người bạn thân, con sẽ không ngại mà chia sẻ hết mọi tâm tư tình cảm, suy nghĩ riêng tư, thậm chí cả chuyện bạn trai bạn gái. Khi đó, cha mẹ đồng hành được với trạng thái tâm lý của con, cùng con vượt qua những giai đoạn cảm xúc trái gió trở trời, để có thể chạm tới quả ngọt là cùng con trưởng thành.

“Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, chính là câu nói diễn đạt ý nghĩa này đây. Sinh một đứa con và nuôi dạy con trưởng thành, là cha mẹ được sinh ra một lần nữa, được học nói học ăn, học làm người, lớn lên cùng con và khi con trưởng thành cũng chính là lúc cha mẹ hoàn thiện những phẩm chất của mình.

Trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng con, trong từng giai đoạn phát triển của con, đừng bao giờ để con một mình, đừng bao giờ để con cảm thấy xa cách, vì như vậy, con sẽ đóng lại cánh cửa lòng mình, không muốn chia sẻ với cha mẹ nữa. Khi đó, việc mở lại cánh cửa tâm hồn con sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là bất khả thi.

Hãy làm bạn cùng con, cha mẹ nhé. Một hành trình gian nan nhưng vô cùng thú vị, luôn tràn đầy cảm xúc mới mẻ. Và đó là cách để sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con luôn bền chặt.

Trả lời