Nuôi dạy con Tùy bút

Làm sao để trẻ có thói quen đọc sách?

Cho đến giờ, nhiều phụ huynh vẫn còn mơ hồ về việc: trẻ con có cần đọc sách hay không?

Có lẽ, với nhiều người, sách chỉ là một sở thích, cũng như một món trang trí, có thì hay, vui mắt, không có cũng không sao. Con thích đọc thì cho đọc, không thích thì thôi, sở thích không nên cưỡng ép.

Sự thật là gì?
Đọc sách đúng là không nên cưỡng ép, nhưng nó là một thói quen vô cùng cần thiết với sự hình thành nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Đọc sách, trí tưởng tượng của trẻ sẽ được khai phóng, kích thích trí não, giúp bé sáng tạo nhiều hơn.
Đọc sách, con trẻ có tấm lòng nhân ái, cư xử ôn hoà, nuôi nấng một thiên tư tốt đẹp.
Đọc sách, con sẽ mở cửa bước vào thế giới kiến thức rộng lớn mà không phải cái gì cha mẹ cũng biết để giải đáp cho con.
Đọc sách giúp con tư duy tốt và sớm có thói quen hoạch định cuộc đời của mình từ sớm, nuôi dưỡng ước mơ để làm bệ phóng cho con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công – mơ ước của mọi bố mẹ với con yêu của mình.

Vậy làm sao để cho trẻ có thói quen đọc sách mà cha mẹ không phải nhồi nhét?

Nói đến đây, người ta lại chắt lưỡi: ngày xưa vì sao ai cũng thích đọc sách cả, còn bọn trẻ bây giờ lười quá! Vì thế hệ ngày đó làm gì còn món giải trí nào khác. Chỉ có sách là món ăn tinh thần duy nhất. Bước vào trang sách người ta được bước vào một thế giới khác, được tự do phiêu lưu bay bổng, được để trí tưởng tượng bay xa vời, rời khỏi những khó khăn mệt nhọc của đời sống. Trẻ con thời ấy không có máy tính, game, các khu vui chơi với vô vàn trò chơi hấp dẫn, tivi thì trăm nhà mới có một nhà có. Sách trở thành món giải trí độc quyền gây nghiện.
Nói như thế, phụ huynh bây giờ lại buông xuôi: ừ thời bây giờ có quá nhiều thứ giải trí, nó không thích đọc sách thì biết làm thế nào?

Đã nói đọc sách là một thói quen, thì thói quen đó nhất thiết phải được hình thành từ buổi ban đầu. Từ khi con vừa tiếp xúc với cuộc đời, thì thứ đầu tiên cha mẹ cần mang đến cho con, đó là sách.

Ngay cả khi con còn nằm trong bụng mẹ, bên cạnh âm nhạc du dương thì âm thanh du dương từ giọng đọc sách của bố mẹ cũng sẽ khiến kích thích tri giác của con phát triển.

Trẻ sẽ quen dần với sách từ giọng đọc âu yếm đó, cho đến khi con chào đời. Con 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tuổi… là con đã biết “đọc” sách rồi đó bố mẹ ơi. Chỉ cần khi rảnh rỗi, và đều đặn mỗi tối trước khi đi ngủ, bố mẹ giở quyển sách tranh ra trước mặt con và đọc, với giọng êm ái truyền cảm. Hãy thử và quan sát xem, chắc chắn con sẽ theo dõi rất chăm chú. Hình ảnh tranh trong sách kích thích thị giác, giúp con sớm nhận biết màu sắc, hình ảnh sống động. Những câu chữ du dương êm ái và có nhịp điệu giúp con ghi nhớ nhanh một cách dễ chịu. Từ đó mà những câu chuyện sẽ đi vào tiềm thức của con. Chính vì điều này mà việc chọn sách cho lứa tuổi đầu đời của con vô cùng quan trọng. Nội dung cũng như hình ảnh sẽ in đậm trong tâm trí con từ lúc này. (Việc chọn sách nào cho lứa tuổi này xin đề cập đến ở bài viết sau)
Là một người mẹ có đứa con mê sách, tôi khẳng định chắc nịch hành trình kể trên chắc chắn sẽ mang đến kết quả là một đứa trẻ con mê sách và hình thành thói quen đọc sách từ bé.

Vì trí óc non nớt của con đã ghi nhận thói quen đọc sách này từ mỗi tối đều đặn được bố mẹ cho xem sách và đọc sách cho con nghe. Khi lớn lên, con mặc nhiên xem đó là một thói quen và duy trì nó một cách tự nhiên.

Tôi viết sách thiếu nhi và khi đi chào sách cho các phụ huynh, các ông bà và bố mẹ thường bảo: Ối dào nó chưa biết đọc thì mua làm gì?

Ôi đây là một sai lầm phổ biến của phụ huynh. Nếu chờ đến khi con biết đọc mới cho con bắt đầu đọc sách thì đã quá muộn rồi. Khi đó con đã bị cuốn vào những món giải trí khác mà con đã được tiếp xúc từ bé: điện thoại, Ipad, tivi, và sách là “kẻ đến sau”, tất yếu trở nên xa lạ với con.Việc đọc sách lúc này trở nên nặng nhọc biết bao, và cánh cửa tâm lý đã đóng lại, con không muốn bước tiếp để khám phá thế giới vô cùng kỳ thú đằng sau cánh cửa kia.

Việc đọc không được con yêu thích thì làm sao con có thể tiếp nhận những môn học ở trường vốn đòi hỏi rất nhiều ở kỹ năng đọc viết? Và hành trình về sau của con, thiếu đi người bạn sách, kho kiến thức và nguồn cảm xúc vô tận của nhân loại, thì thiệt thòi cho con biết bao nhiêu.

Vậy vẫn xin khẳng định đi khẳng định lại: HÃY CHO CON ĐỌC SÁCH TỪ BUỔI BAN ĐẦU, từ khi con còn trong bụng mẹ, khi con vừa chào đời, và duy trì liên tục cho tới khi con biết đọc. (Khi đó thì con đã trở nên nghiện sách, và bố mẹ có cản cũng không được. Vấn đề lúc này chỉ là chọn sách cho con thôi)

Điểm lại danh sách những người thành công trên thế giới, không người nào là không mê đọc.
Nhưng quan trọng nhất, đọc sách sẽ mang lại hạnh phúc thường trực cho mỗi con người. Đó là người bạn đồng hành nhẫn nhại, mang lại niềm vui, sự hiểu biết, lòng tử tế, và là bàn tay xoa dịu những nỗi ưu tư khó khăn ta gặp phải trên đường đời.

Gia tài cha mẹ để lại cho con, không phải là tiền bạc, cũng không phải là… sách, (đều có thể mua được), mà chính là thói quen đọc sách chỉ có cha mẹ mới có thể trao truyền cho con được, khi con còn bé thơ.

Khi đó, con sẽ có một người bạn đồng hành tuyệt vời suốt cuộc đời mình.

(TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN)

 

Trả lời