Tùy bút

Lý Chiêu Hoàng và Trần Bình Trọng với Nhà Trần: thương hay hận?

Hai nhân vật đem lại nhiều cảm xúc cho tôi trong quá trình viết bộ truyện lịch sử dành cho thiếu nhi, trong triều đại Lý – Trần, là Lý Chiêu Hoàng và Trần Bình Trọng.
Kỳ lạ thay, dù không được nhắc trong chính sử, nhưng có sử liệu cho rằng, Trần Bình Trọng chính là con trai Lý Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng, cô công chúa 6 tuổi, vì sức ép của họ Trần mà lên ngôi gánh vác sơn hà họ Lý. Rồi cũng vì triều Lý tới hồi suy vi và những âm mưu sắp đặt chốn cung đình, mà từ giã ngai vàng và chuyển giao giang sơn cho họ Trần.
Một cô bé còn tuổi nít nhỏ, trêu đùa quăng chiếc khăn tay cho cậu bé Trần Cảnh nhặt được, mà từ đó họ Trần phao tin rằng vị nữ hoàng đã chọn được chồng. Xuất giá tòng phu, nữ hoàng nhường ngôi cho chồng như một lẽ đương nhiên. Kịch bản của Trần Thủ Độ diễn biến và kết thúc hết sức suôn sẻ. Nhà Lý chuyển qua nhà Trần nhẹ như một chiếc lá rơi.
Không bàn đến những chiếc lược thay ngôi thoán vị, hay những kế sách để bảo toàn đất nước trước hoạ ngoại xâm…
Chỉ cảm thương thay số phận nàng công chúa, 6 tuổi lên ngôi vua, 7 tuổi lấy chồng, thoái ngôi vua, trở thành hoàng hậu. 19 tuổi vì không sinh con được mà bị truất ngôi hoàng hậu, trở lại là công chúa sống cô đơn lặng lẽ cho tới năm 40 tuổi thì được (bị?) chồng ban hôn cho thuộc tướng.
Từ Chiêu Thánh công chúa thành Chiêu Thánh hoàng hậu, rồi thành Lý Phế Hậu ở tuổi 19…
Người chồng được gả nàng công chúa nổi tiếng nhất nhà Lý là Lê Tần, sau vì có công mà được đổi tên thành Lê Phụ Trần và được ban quốc tính (họ Trần).
Sử chép, năm 1258, Lý Chiêu Hoàng – hoàng hậu mất ngôi – được gả cho Lê Phụ Trần, năm 1259 được chép là năm sinh của Trần Bình Trọng, nên các nhà sử học suy đoán, Trần Bình Trọng chính là con của Lý Chiêu Hoàng và Lê Phụ Trần.
Vì Trần Bình Trọng vốn dòng dõi vua Lê Đại Hành, tức là người ngoại tộc nhà Trần, mà lại mang họ Trần, thì chỉ có thể là cha ông được ban quốc tính. Thời điểm đó, nhân vật ấy chỉ có thể là Lê Phụ Trần, chồng sau của Lý Chiêu Hoàng.
Cuộc đời cô công chúa nhỏ phải trải qua nhiều dâu bể khi tuổi còn non nớt: ngồi trên ngôi nữ hoàng, mất ngôi, mất cả cơ đồ, cha bị bức chết, dòng họ Lý bị tận diệt, bị chồng truất phế và chị ruột thế ngôi, bị gả cho thuộc tướng… Không có một dòng nào ghi lại tâm tư của cô công chúa nhỏ ấy. Chỉ thuần là những sự kiện lạnh lùng mà đầy cay đắng cho cuộc đời Lý Chiêu Hoàng.

Trần Bình Trọng – một vị tướng mà từ nhỏ đọc SÁT THÁT tôi vô cùng ngưỡng mộ, nhớ mãi hình ảnh ông bứt dây trói, hất bàn rượu thịt, đứng hiên ngang chỉ thẳng vào mặt tên tướng phương Bắc mà dõng dạc nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!” 
Câu nói hào khí ấy in vào tuổi thơ tôi hình ảnh một vị tướng nước Nam trung thành, bất khuất, nhưng cũng đầy ngậm ngùi khi trái tim mẫn cảm của trẻ thơ đau xót với cái chết của ông.
Hình ảnh Trần Bình Trọng chính là hình tượng vị anh hùng trong tâm trí của trẻ thơ.

Đã nhiều lần định xây dựng lại cuộc đời Lý Chiêu Hoàng, không phải mô tả trận trận mưu sâu, lớp lớp kế hiểm trong những cuộc đổi ngôi soán vị. Chỉ là, muốn dùng ngòi bút giãi bày nỗi lòng một nhánh trâm anh chốn cung đình, tuổi nhỏ đã phải chịu nhiều bi thương cuộc đời.
Đã nhiều lần muốn khai thác sâu hơn về cuộc đời vị tướng Trần Bình Trọng. Mẹ ông đã chịu nhiều đau khổ với nhà Trần, nhưng chính ông lại là người liều mạng cứu 2 vua nhà Trần. Lòng trung thành hơn tình hiếu thảo, hay chính mẹ ông, công chúa Lý Chiêu Hoàng, Chiêu Thánh hoàng hậu, Lý Phế Hậu… cũng một lòng tưởng nhớ vị vua Trần từng là chồng của mình? Lòng trung quân, đức tòng phu trong chế độ phong kiến sâu dày đến bao nhiêu mà át đi cả những nỗi lòng riêng tư của từng số phận con người?

Nhưng dẫu gì đi nữa, những người viết truyện dã sử cũng chỉ là hậu sinh, nhìn vào sử liệu, nhìn vào cuộc đời nhân vật mà suy đoán, chứ làm sao biết được tâm can của chính người trong cuộc của thời ấy, thế ấy, để mà đo lường bằng con chữ của mình.
Vậy nên vẫn cứ dùng dằng.
Nhưng dùng dằng hoài lại thêm ray rứt với những nhân vật mà mình đã tương kiến qua trang sử, như một thôi thúc khôn nguôi.
Thì xin viết ra, như một tấm lòng chờ đợi cơ duyên…

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN

Trả lời