Review sách

Một cuộc phiêu lưu đồng nội trong Cuộc Phiêu Lưu Của Bồ Công Anh

Tập truyện viết cho thiếu nhi cuộc Phiêu Lưu Của Bồ Công Anh, tác giả – Trương Huỳnh Như Trân, gồm 9 truyện ngắn, trong đó truyện thứ 2 “Đã muộn rồi Se Sẻ ơi” đã nhận giải thưởng cuộc vận động sáng tác Ước Mơ Xanh (2010- 2011) do Hội Nhà Văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim đồng tổ chức.

Xin nói thêm, tập truyện “Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây” của Trương Huỳnh Như Trân, nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi đã nhận được giải sách hay lần thứ 8 năm 2018 hạng mục sách thiếu nhi. Điều nầy đã khẳng định, ngoài cái duyên với ngòi bút viết cho lứa tuổi mầm non, tác giả còn nguyên cảm xúc hoài niệm với những giấc mơ của thời thơ ấu. Những giấc mơ ban đầu mỗi người ai cũng có để dần hình thành nên mỗi hoài bão của riêng mình

Nhu cầu đọc sách của thiếu nhi mỗi ngày mỗi tăng, mà số lượng nhà văn viết cho số độc giả mầm non thì không nhiều nếu không nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tất nhiên là chúng ta không tính đến các sách đầy dẫy viết cho thiếu nhi với cốt truyện nhảm nhí và lối hành văn cẩu thả, không những không đem lại tính giáo dục mà còn có tác dụng ngược với trí óc và tâm hồn của trẻ thơ.

Cuộc Phiêu Lưu Của Bồ Công Anh là những mẫu chuyện được tác giả viết bằng cảm xúc trẻ thơ của mình đã từng sống thời thơ ấu ở một miền quê trung du êm đềm, đó là xã Tân Nghĩa huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận, là nơi tác giả đã được sinh ra. Ở nơi đây đã từng có ba anh em Mũi To, Cắc Cớ và Nghiêm Nghị, sống cùng với thiên nhiên hoa cỏ nội đồng, vui cùng các bạn đồng quê của mình: Hồng Hạc, Bò Lông Vàng, Miu Tai Trắng, Gà Mái Hoa, Vịt Bầu, Bướm Nâu, Hoa Dại, Chuồn Chuồn Trâu, Sóc Con, Sâu Đốm, Bồ Công Anh…

Mỗi câu chuyện là mỗi thế giới trẻ thơ sống chung trong khu vườn thần tiên của mình, các loài động vật xung quanh đều là những người bạn dễ thương để Cắc Cớ suốt ngày sống chung và trò chuyện. Đây là tình cảm nhân bản tự nhiên khi còn là “nhân chi sơ tính bổn thiện” được tác giả dựng lại bằng trí tưởng tượng và lời thoại cùng lối hành văn khiến trẻ thơ thích thú. Và có không ít những đoạn văn hay:

“Tất cả đều ngóng về một hướng, nhìn theo một cánh chim hồng đang bay vút về hướng mặt trời chiều đã đổ màu đỏ quạnh, trông như một bức tranh phong cảnh thiên đường nào xa xôi” (Hồng Hạc ơi…)

“Dưới bụi Hoa Dại, Bướm Nâu đã chết. Bụi Hoa Dại không còn những bông màu trắng muốt nữa, mà điểm vào đó là những cánh hoa màu hồng nhạt, hồng đậm. Ở giữa bông hoa đọng những giọt nước lớn, như là giọt mưa lạnh, như là sương long lanh, như là nước mắt” (Con bướm nhỏ và bụi hoa dại trong vườn)

“Quả nhiên là con suối rất đẹp. Hai bên bờ suối có những cây to, lá ngả màu vàng màu đỏ, rụng xuống dòng nước, trông như những con thuyền buồm sặc sỡ đang trôi. Dưới lòng suối, những viên đá cuội đủ màu sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời đã ngả về chiều” (Lạc vào hang sóc)

“Và kìa, trước mắt Út là cánh đồng thênh thang, nơi những bông cỏ mật tỏa hương ngào ngạt, nơi những bông hoa vàng li ti trải thảm đón chào, nơi những chú dế gảy lên khúc ca đồng quê rộn rã…Út muốn hét vang: Út đã tìm thấy một nơi cho riêng mình, mẹ ơi, các anh chị ơi!

Út đáp xuống mặt đất ấm áp và đầy hương thơm” (Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh)

Có người cho là Trương Huỳnh Như Trân viết sách thiếu nhi như hát “đồng dao” Có lẽ vì nhà văn đã từng sống thời thơ ấu ở nơi thôn dã, mỗi lời ru của mẹ buổi trưa hè, mỗi ngọn lúa lay ngoài đồng, mỗi tiếng đập cánh của châu chấu trên ngọn cỏ đều đã là khúc hát tuyệt vời đồng dao. Tất cả đã hình thành nên nỗi yêu thương xứ sở từ ban sơ những giấc mơ vương víu “ám ảnh diệu kỳ” suốt cả đời của nhà văn.

Mỗi câu chuyện trong Cuộc Phiêu Lưu Của Bồ Công Anh là mỗi ước mơ được chắp cánh phiêu lưu. Là mỗi tình yêu thương nhân ái của trẻ thơ đối với thiên nhiên cỏ cây và động vật, được nhà văn xây dựng từ bối cảnh ruộng đồng nương rẫy suối đồi hữu tình địa đầu miền Nam phóng khoáng và thâm tình từ màu nắng ngọn gió thân thương.

Ngoài cách hành văn đối thoại thích hợp với thiếu nhi, xen vào không ít cảm nhận cảm xúc tinh tế và những đoạn văn hay gọn gàng trong suốt trôi chảy, rất cần cho các độc giả nhỏ tuổi, từ sự cảm thụ dòng văn học thiếu nhi đầy ước mơ trong sáng để hình thành nên tính cách nhân văn nhân bản của các mầm non của đất nước sau này.

TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN

Trả lời