Mường Mán tên thật là Trần Văn Quảng, sinh năm 1947, quê quán làng An Truyền, Phú Vang Thừa Thiên Huế. Ông lấy bút hiệu nghe đậm chất hoang vu rừng rú là Mường Mán, lấy từ tên của một ga xép, ga Mường Mán của Phan Thiết.
Lần đầu tiên đọc truyện dài Lá tương tư của nhà văn Mường Mán đăng nhiều kỳ trên tuần báo Tuổi Ngọc, các độc giả tuổi mới lớn đã bị nhà văn có cái bút hiệu ngồ ngộ này mê hoặc. Tiếp theo là truyện dài Một chút mưa thơm. Và còn nữa, bài thơ nổi tiếng Qua mấy ngõ hoa của ông cũng đã đăng trong Tuổi Ngọc đã làm cho chúng tôi chuyền tay nhau để rồi thuộc lòng những câu thơ xứ Huế: Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó/ Về đi thôi o nớ chiều rồi/ Ngó làm chi mây trắng xa xôi/ Mắt buồn quá chao ơi là tội! Bài thơ ông làm năm mới 16 tuổi, đã làm rung những nhịp tim non dại của mọi lứa học trò
Văn thơ Tuổi Ngọc mới và lạ, cuốn hút và dẫn dắt chiêu dụ độc giả say mê ngưỡng vọng đến miền văn chương sang trọng hiện đại, làm cho dòng văn tiền chiến như ánh chiều xế mòn lùi về một góc quá vãng. Không chỉ là ánh sáng lấp lánh trong chữ nghĩa thôi, dòng văn chương lãng mạn kia đã cho tôi cảm được mơ hồ nỗi buồn tuổi trẻ không tuổi không tên trên những con đường học trò mưa bay lất phất …
Văn Mường Mán cũng như văn của các nhà văn viết cho Tuổi Ngọc như một làn gió mới, làm nhạt nhòa văn phong cũ của các nhà văn Tự lực văn đoàn trong các sách giáo khoa văn học, chúng tôi thường bình giảng trong các giờ Quốc văn của nhà trường. Nên những giờ học văn không còn hứng thú đối với những học trò thích tìm tòi khám phá. Chúng tôi đọc văn của các nhà văn Tuổi Ngọc để nghe trái tim reo những nhịp đập xuyến xao rung động đầu đời
Sau năm 1975, Mường Mán cùng với vợ là chị Phương Bình, nữ sinh trường Đồng Khánh về Cần Thơ làm ruộng và chăn vịt. Mười năm sau, nhờ bạn bè văn nghệ giúp đỡ công việc làm ăn, ông trở về Sài Gòn sinh sống và tiếp tục viết văn trở lại.
Nhà thơ nhà văn Việt Nam có nhiều nghề để sinh sống: đạp xích lô, chạy xe ôm, bán sách vỉa hè…Và Mường Mán thì có thời chăn vịt để có mấy câu thơ trong bài Chăn vịt Phương nam: Mỗi ngày tôi lùa vịt/ Qua cánh đồng thênh thang/ Buồn tôi khua gậy múa/ Hát cùng bèo trôi sông.
Tuyển tập truyện ngắn Cạn chén tình đã được nhà xuất bản Phương Nam ấn hành năm 2003, mới đây đã được nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ tái bản lại một lượt cùng với các tác phẩm khác của 5 nhà văn Tuổi Ngọc: Đâu phải cái gì cũng mong manh (Đoàn Thạch Biền) Ở một nơi mà ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), Tình yêu có màu gì ( Từ Kế Tường), Anh Chi yêu dấu (Đinh Tiến Luyện), Tuổi ngọc ngày chưa xưa( Nguyễn Thị Minh Ngọc). Tất cả nằm truong tủ sách Thiên Đường Không Tuổi.
“Cuộc sống thực đi vào trang viết qua tư duy của nhà văn có khi biến thành hư ảo. Nhưng để làm ra văn chương, nhà văn không thể sống ảo mà phải sống thực với chính mình và thế giới xung quanh. Cuộc sống chung này chẳng phải luôn luôn dễ chịu. Vì thế, tôi cầm bút và… viết”, tác giả “Cạn chén tình” bộc bạch.
Truyện ngắn Cạn chén tình, tác giả viết về chuyện tình của Luân và Xuyến, viết vào năm 1993 nên cốt truyện không còn trong trẻo lãng mạn học trò như thời đầu tiên của nhà văn Tuổi Ngọc nữa. Chuyện Luân từ nước ngoài về lại quê cũ Huế, trong lần gặp lại bạn bè, Luân đã quen với Xuyến, một phụ nữ kém anh 20 tuổi và sắp li dị với chồng, cô đã hứng chịu qua một chuỗi ngày giông bão trong gia đình đã vùi dập tuổi thanh xuân. Kết thúc truyện thật buồn khi Xuyến nói với Luân là chén tình em đã lỡ uống cạn rồi, uống sạch sành sanh rồi, nên em không cần đến ai nữa cả. Và Xuyến đã buông mình xuống mặt sông tối đen, Xuyến sẽ trôi về đâu? Như mấy câu thơ tác giả đã dẫn đầu truyện:
về đâu
địa ngục thiên đường
còn em mắc cạn
đời thường nhân gian.
Kết thúc truyện có khi lững lờ như nước sông Hương… tùy theo trí tưởng tượng của người đọc: Luân có nhảy theo cứu kịp Xuyến hay không, hay là dòng định mệnh đã cuốn trôi đi thân phận một hồng nhan đa truân…
Tuyển tập truyện ngắn Cạn chén tình gồm 48 truyện ngắn được viết trước và sau năm 1975 với lời đề từ hầu hết trong truyện là thơ của chính tác giả. Vì cũng là nhà thơ nên văn của Mường Mán cũng đậm chất thơ. Lớp độc giả cũ sẽ nhận ra hình bóng của ký ức mình năm nào khi đọc lại dòng văn của tác giả mình đã yêu thích. Lớp độc giả mới sẽ tiếp cận được dòng văn chương lãng mạn đã từng là hiện tượng văn học làm vang bóng một thời
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021