Hươu cao cổ ngoài đặc điểm là có cái cổ thật dài, còn có nhiều điều thú vị về bạn ấy nữa đấy.
– Sơ lược tiểu sử
Hươu cao cổ có tên tiếng anh khoa học là Giraffa. Loài hươu cao cổ thuộc dòng động vật có vú và thuộc bộ móng Guốc chẵn. Hươu cao cổ được tìm thấy, miêu tả và đặt tên bởi Brisson vào năm 1762.
Hươu cao cổ được là loài động vật ăn cỏ có kích thước lớn nhất. Trong họ hươu cao cổ có khoảng 11 loài, tuy nhiên đã có khoảng 7 loài bị tuyệt chủng từ thời tiền sử.

– Vì sao hươu cao cổ có cái cổ dài?
Cổ hươu cao cổ dài thật, có thể dài đến 2,4m, nhưng cũng chỉ có 7 đốt sống cổ như con người và các loài động vật khác như hổ, báo, sư tử.. Trong 7 đốt sống cổ đó thì đốt thứ 3 là dài nhất.
Cổ hươu cao cổ vì sao dài, hiện vẫn còn là điều mà các nhà khoa học đang tranh cãi. Một trong những lý do được nhắc đến là do quá trình tiến hoá, chọn lọc tự nhiên, bạn nào có cổ dài sẽ kiếm được nhiều lá cây hơn, cơ thể khoẻ mạnh hơn, sẽ sinh ra những đứa con khoẻ mạnh và sống sót. Dần dần, hươu cổ dài sẽ chiếm ưu thế về số lượng trong thiên nhiên.

– Hươu cao cổ là hình ảnh quý phái?
Hươu cao cổ với hình tượng chân dài, cổ dài sang trọng, quý phái, đã trở thành biểu tượng trong nhiều tín ngưỡng của các dân tộc. Ngày xưa, các vị vua thường dùng hươu cao cổ làm quà tặng để thể hiện sức mạnh và quyền lực của mình.

– Thức ăn của hươu cao cổ?
Đó là lá cây, tất nhiên rồi. Món khoái khẩu của hươu cao cổ là lá của cây keo
Vào mùa khô, không còn nhiều lá cây, hươu cao cổ có thể ăn cả vỏ cây. Tuy nhiên, vào mùa hanh khô, hươu cao cổ sẽ di cư đến những vùng còn nhiều lá cây xanh tốt để sinh sống.
Hươu cao cổ có đặc tính của loài nhai lại. Khi ăn lá cây, hươu cuộn lá vào trong miệng, nhai vội vàng rồi nuốt, khi nào rảnh rỗi sẽ “ực” ra nhai lại.
– Khẩu phần ăn mỗi ngày?
Đâu có bao nhiêu đâu, mỗi ngày hươu cao cổ chỉ ăn chừng 34kg lá cây thôi!

– Chiều cao, cân nặng?
Hươu cao cổ trưởng thành cao từ 4,8 đến 5 mét. Hươu đực nặng khoảng 1300kg, hươu cái từ 800-850kg. Thế nhưng có bạn hươu nặng nhất thế giới, nặng tới 2000kg, cao 5,87 mét. Wow!

– Làm sao để ngủ?
Do thân hình kềnh càng, đã nằm là rất khó đứng dậy nên hươu cao cổ thường ngủ đứng gà gật, để tránh bất ngờ khi bị thú ăn thịt tấn công. Ngủ mệt quá nên hươu cao cổ ngủ rất ít, một ngày chỉ ngủ 20-30 phút.
Hươu cao cổ con do có mẹ bảo vệ nên có thể hạ chân sau nằm xuống, vắt đầu lên lưng mà ngủ một cách thoải mái. Làm trẻ con bao giờ cũng sung sướng nhất nhỉ!

– Uống nước như thế nào?
Cũng vì cái cổ cao quá khổ mà hươu cao cổ uống nước rất khó khăn, phải xoải hai chân trước ra, gập người xuống để uống. Trong tư thế đó, hươu cao cổ rất dễ bị hổ, sư tử, chó sói hay cá sấu dưới đầm nước tấn công. Vì vậy hươu cao cổ cũng ít đi uống nước. Bạn ấy sẽ lấy nước từ các loại lá cây.

– Cái lưỡi để làm gì?
Lưỡi hươu cao cổ rất dài, khoảng 50cm. Lưỡi dài để bạn ấy có thể với tới những chiếc lá trên cành cao, tóm gọn nó rồi đưa vào miệng. Để tránh bị gai đâm, lưỡi hươu cao cổ có một lớp mô nhú cứng bảo vệ.
Ngoài việc thay cho tay cầm nắm, vin cành hái lá, lưỡi còn được hươu cao cổ dùng để ngoáy mũi, ngoáy tai, vệ sinh cơ thể.

– Xoắn cổ nhau – trò chơi, âu yếm hay là bạo lực?
Thật ra đó chính là trò so tài đầy bạo lực của hai bạn hươu đực đó, chả phải âu yếm gì đâu. Hươu cao cổ có chiếc cổ dài để thể hiện sức mạnh, nên các bạn ấy tranh tài cao thấp qua việc xoắn cổ xem cổ ai mạnh hơn. Có vẻ giống như trò vật tay của các bạn con người ấy nhỉ?

– Hộ khẩu của hươu cao cổ?
Hươu cao cổ là loài di cư, vào mùa khan hiếm thức ăn sẽ di cư đến những vùng khác có nhiều lá cây để sống sót. Các bạn ấy không có nhà cửa ổn định, tuy nhiên, khu vực sinh sống của hươu cao cổ tập trung ở Nam Phi và rải rác từ miền Tây sang miền Đông Châu Phi.

-Hươu cao cổ “bán kem trộn”
Đó là các bạn hươu cao cổ hiếm hoi có toàn thân màu trắng. Sở dĩ bạn hươu này mang tiếng “bán kem trộn” là do một hội chứng đột biến gene kỳ lạ có tên là leucism gây ra. Leucism khiến các loài vật có lông, da hoặc vảy chuyển sang màu trắng do sự thiếu hụt sắc tố trên cơ thể sinh vật. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa leucism và bạch tạng là những cá thể mang leucism vẫn có màu mắt bình thường.

Cũng như nhiều loài động vật hoang dã trong tự nhiên, hươu cao cổ cũng đang dần trở nên hiếm hoi, do bị các động vật ăn thịt săn đuổi, và cả con người cũng săn bắt hươu cao cổ nữa. Những người bạn hiền lành xinh đẹp ấy cần được chúng ta bảo vệ.
(sachhay.vn)
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021