Tùy bút

Nữ sĩ Lệ Khánh và chuyện tình trái ngang

Vào những năm thập niên 60, trên thi đàn xuất hiện một nữ sĩ làm xôn xao dư luận trong giới văn nghệ cũng như ở ngoài giới độc giả, đó là Lệ Khánh. Cô đang sống ở thành phố sương mù mộng mơ Đà Lạt, thành phố của tình yêu, nhưng tình yêu ngoài đời của Lệ Khánh đã đem lại cho cô nhiều khổ lụy, ngang trái. Và cũng chính nhờ vào nỗi éo le bi thiết của mối tình “Yêu một người không phải là của mình” này mà Lệ Khánh đã có những bài thơ để lại cho đời:
Tác phẩm đã xuất bản: Em là gái trời bắt xấu(thơ tập 1, 2, 3, 4, 5) Khai Trí Sài gòn xuất bản: 1964- 1965- 1966. Vòng tay nào cho em (thơ 1966) Nói với người yêu (thơ 1967)

Nhà thơ Lệ Khánh tên thật là Dương Thị Khánh sinh năm 1944 tại Thừa Thiên Huế. Tựa đề tập thơ Em Là Gái Trời Bắt Xấu đã gây hấp dẫn cho bạn đọc và càng làm cho Lệ Khánh nổi tiếng thêm. Người ta tìm đọc thơ của Lệ Khánh để xem thử tác giả “xấu cỡ nào” Nhưng thật ra nữ sĩ không xấu, trái lại nhan sắc của cô đã làm bao nhiêu chàng trai thuở ấy ngẩn ngơ, chân bước không đành.

Một tiểu thư con của phó thị trưởng Đà Lạt, một nhà thơ nổi tiếng, một hoa khôi của xứ sở sương mù. Ngang trái thay cô lại phải lòng với nhạc sĩ Thục Vũ tên thật là Vũ Văn Sâm sinh năm 1932 tại Bắc Việt, ông đã lập gia đình từ năm 1956.

Vốn cùng là nghệ sĩ, họ đã đồng cảm đồng điệu nhau qua lời thơ tiếng nhạc. Mối tình ngang trái nhưng đẹp và thơ mộng của hai người đã dấy lên cơn bão dư luận của một thời. Năm ấy cô vừa tuổi 20, nhạc sĩ Thục vũ đã phổ nhạc bài Vòng Tay Nào Cho Em, thơ của Lệ Khánh. Giới yêu nhạc yêu thơ xôn xao, có người thì thương cảm cho cặp nghệ sĩ này, còn có người thì khắt khe lên án không tiếc lời.

Mối tình của nhạc sĩ và nhà thơ vẫn thắm thiết bất chấp dư luận. Họ đã có với nhau một đứa con tên là Vũ Khánh Thục. Bà Thục Vũ tuy biết nhưng không làm lớn chuyện, ngược lại bà còn đến bệnh viện để thăm nom và chăm sóc trong ngày Lệ Khánh sinh đứa con đầu lòng.

Vượt ra ngoài vòng luân lý và dư luận của xã hội, tình yêu của họ quyện vào nhau như thơ với nhạc, những bài thơ diễm tình của Lệ Khánh được viết lên trong khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt:
“Hôm nay trời vào thu 
Đà Lạt lắm sương mù 
Cây khô buồn trút lá 
Gió ven hồ bay xa

Mây thu lờ lững trôi 
Lồng lộng gió lưng đồi 
Xin anh đừng giận dỗi 
Viết thư về thăm em…” 
Nhạc sĩ Thục Vũ đã phổ nhạc bài này lấy tên là “Tình Người Hậu Tuyến” Lúc đó Thục Vũ đang là sĩ quan quân đội VNCH. Sau năm 1975 ông đã đi học cải tạo và đã bị bịnh mất một năm sau đó, để lại cho bà Thục Vũ 5 đứa con và Lệ Khánh 1 đứa con

Đã gian nan với cuộc tình, Lệ Khánh còn gian truân nhiều với cuộc đời sinh kế. Nhà thơ đã từng tảo tần ngược xuôi buôn bán ở Sài Gòn, đã từng đi kinh tế mới, kiếm từng gánh củi về bán lấy tiền nuôi con. Sau này khi con đã lớn khôn, Lệ Khánh quay về Đà Lạt, quay về với nơi một thời đã chứng kiến tình yêu của “Em Là Gái Trời Bắt Xấu”
Mọi thứ đều bể dâu, còn tình yêu và thơ thì mãi ở lại. Những bài thơ da diết tình sầu của Lệ Khánh nếu có lần tìm đọc lại thì cảm xúc về mối tình yêu ngang trái của người Đà Lạt, đã bất chấp thời gian để đưa chúng ta về lại với những ngày thơ mộng đẹp đẽ tha thiết yêu đương. Nỗi đam mê như mây hồng tuổi trẻ vẫn quấn quýt với núi đồi sương khói, như nắng chan hòa vẫn tô thắm màu môi hoa anh đào của thiếu nữ Đà Lạt.

Dù là trái ngang, nhưng mối tình của Lệ Khánh và Thục Vũ được giới văn nghệ cho là đẹp và nên thơ. Tình yêu nghệ sĩ của họ kết tinh từ những giọt sương mai lóng lánh sau sương mù của trời Đà Lạt để đi vào thi ca và âm nhạc.
“Bao giờ em hết làm thơ
Để mà đừng khóc duyên hờ chị ơi
Mấy lần… bài cuối đây rồi
Mà sao chưa cuối những lời thơ đau”

Và tất nhiên là nét đẹp tuyệt cùng của nghệ thuật cũng kết tinh từ đoạn trường khổ ải của mối tình nghệ sĩ, đã được vận vào tình duyên của nữ sĩ, trước đó đã lấy bút danh là Lệ Khánh, nước mắt nhiều hơn nụ cười

TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN

Trả lời