Review sách Văn học

Ta nghĩ gì trên những ngã tư

 

Bài viết của Tiến sĩ – nhà văn Nguyễn Thanh Tâm về tập tản văn “Những ngã tư không đèn đỏ”.

Những ngã tư không đèn đỏ là tên tập tản văn của Trương Huỳnh Như Trân (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Một tập tản văn nhỏ, tuy nhiên, phía sau đó là câu chuyện của đời sống, văn hóa xã hội, mà chúng ta là những nhân vật chính, đang tự thuật đời mình một cách chân thành.

Không khoa ngôn, sáo ngữ, không bàn luận những vấn đề to tát của đời sống, Những ngã tư không đèn đỏ là tập hợp những phút giây lắng đọng giữa thường nhật đầy ồn ào vội vã, giữa những chuỗi ngày mải miết trên hành trình mưu sinh của đứa con sinh ra từ làng. Phố thị với guồng quay hối hả của nó, cuốn ta đi qua biết bao con đường, biết bao ngã rẽ. Chúng ta có lúc nào chậm lại, ngoảnh nhìn những kí ức đã đi qua, những khoảng trời thân thương, bé bỏng đã làm nên hình hài hiện tại.

Ai cũng có cho riêng mình những kí ức tuổi thơ, “góc sân và khoảng trời” nơi cất giữ đủ đầy những tháng năm bé dại. Mảnh vườn, căn bếp của mẹ; tiếng cười bao dung ấm áp của cha, những trò chơi chập chững lớn lên cùng ta.

Mây trắng bay qua nóc nhà mưa nắng, ta lớn lên, cha mẹ cũng vì thế mà nhọc nhằn, già nua. Khi tiếng nói cười con trẻ dần thưa vắng, khuất mặt bởi những phố phường đông đúc, không gian quê làng còn lại bóng dáng những người già lặng lẽ ngóng trông. Chúng ta đuổi theo những dự định ở phía tuổi mình, trên con phố miệt mài kia, khoảnh khắc nào ấu thơ sống dậy?

Lắm khi, đi trên phố, tôi thầm biết ơn những đèn đỏ qua từng ngã tư. Vì nó mà con người có cơ hội dừng lại, để nhìn ngắm xung quanh, để trong giây phút ấy, có hình ảnh nào của đời sống ùa về, chen vào giữa nhịp đời hối hả. Trương Huỳnh Như Trân lại viết về Những ngã tư không đèn đỏ, cũng là một ý tưởng hay, khi nhờ thế mà chúng ta buộc phải chậm lại, phải quan sát, phải nhường nhịn để cùng nhau đi qua ngã tư. Có đèn đỏ hay không, giữa những ngã tư, đó là câu chuyện mang tính tượng trưng về lựa chọn và ứng xử của chúng ta, về nhịp sống con người trong thế giới quay cuồng, vội vã.

Có thể chỉ là trong giây phút, dừng xe hay chậm lại trước một ngã tư, chúng ta hân hoan vì một mầm xanh nhú lên từ ban công căn nhà giữa phố. Chúng ta thầm biết ơn bóng mát nơi hàng cây tỏa đều trên những bước chân qua. Chúng ta chợt nghe lảnh lót đâu đó rất xa tiếng lũ chim trong tầng cây thơ dại phía quê nhà hun hút. Chúng ta nghĩ về những người già cô đơn đang lắng nghe bước chân trở về của con trẻ. Chúng ta nhận ra trong mắt con thơ niềm hạnh phúc của một gia đình đầm ấm bên nhau… Và biết đâu, những khoảnh khắc ấy lại làm chúng ta dịu lại, tưới tẩm vun xới cho tâm hồn ta giữa biết bao bộn rộn, âu lo, mỏi mòn.

Những kí ức chẳng bao giờ ngủ yên, chẳng chịu trở thành quá khứ. Nó vẫn trở về và tham dự vào những câu chuyện của hiện tại theo cách vừa thân thương, vừa day dứt, vừa chất vấn lại vừa an ủi, động viên. Cũng có thể, đó là những hình ảnh của hiện tại, rất dễ bị khuất chìm giữa cơ man cao ốc, xe cộ, đèn đuốc. Trên những ngã tư không đèn đỏ, trên năm tháng lắm khi trở thành bạc sờn, đơn điệu, khoảnh khắc được chậm lại như một cơ hội của con người phố thị.

Những ngã tư không đèn đỏ, với những câu chuyện bình dị, thân thuộc, với kí ức và hiện tại đan xen, bằng lối viết mộc mạc, chân thành, như một lời thủ thỉ, đã chạm đến những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn ta. Nó nhắc nhở chúng ta cần phải sống chậm lại, để ngắm nhìn cuộc sống xung quanh; thúc giục ta trở về với bao điều thân thương bị thờ ơ quên lãng giữa dòng đời. Nhỏ nhẹ, bao dung, sâu lắng, cuốn sách dẫn chúng ta quay trở lại với chính tâm hồn mình, một giây phút nào đó chầm chậm qua từng ngã tư không đèn.

Nguyễn Thanh Tâm

Trả lời