Đó lời một cô bạn của tôi đã thốt lên, ở đâu đó.
Đây không phải là một lời nói cay cú từ một người thất bại trong tình yêu. Đây cũng chẳng phải lời oán than về tình yêu hay thay đổi. Mà sự thật là như thế. Bản chất của tình yêu là đúng như vậy. Không phải tình- yêu- hay- thay- đổi, mà chính là: tình-yêu-chắc-chắn-sẽ-thay-đổi.
Đây không phải là một bài viết “thảo mai”, có kết cấu ban đầu là đưa ra vấn đề tiêu cực, sau đó kết lại: nhưng, thì, mà, là… có những yếu tố tích cực abc… Và tình yêu vẫn có giá trị bất tử, chỉ là chúng ta chưa biết cách yêu blah blah…
Không, tôi không định tô vẽ một lý thuyết tươi hồng nào. Tôi chỉ muốn viết xuống những cảm xúc cá nhân, cái nhìn cá nhân (hay cho là phiến diện đi nữa cũng được) về tình yêu.
Nói tới đây thì… tắc tị. Tôi bàng hoàng nhận ra mình chẳng biết gì về tình yêu, chẳng hiểu gì về tình yêu. Mà cũng không phải. Tôi đang nói sai hết cả rồi. Làm gì có cái gọi là tình yêu nhỉ. Khái niệm này nghe mơ hồ và xa vắng quá. Và không có thật nữa.
Phải rồi, thứ ảo tưởng và phù phiếm nhất trên đời này là tình yêu.
Từ tình yêu thuở học trò cho tới tình yêu tuổi trẻ, tuổi nhỡ nhỡ, tuổi toan về già, từ nội tình cho đến ngoại tình, từ tình cũ cho đến tình mới, từ tình đầu cho đến tình cuối, không có mối tình nào thọ quá 3 năm. Đó là thông tin được lấy từ một bản tin… khoa học. Theo các nhà nghiên cứu thì những chất “chịu trách nhiệm” về cảm giác nồng nhiệt trong tình yêu là drenaline, dopamine, noepinephrine… Theo thời gian, các chất này sẽ cạn kiệt dần đi, vô phương phục hồi, và quá trình đó (cảm giác yêu) sẽ kéo dài chỉ 2-3 năm là tèo.
Ông Nguyễn Bính tới khi hiểu ra thì đã muộn: “Mà đến hôm nay anh mới biết. Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.”
Hay Phạm Thiên Thư với mối tình học trò đầy thơ mộng: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ… Anh đi theo hoài, gót giày thầm lặng…” Mối tình ấy rồi cũng như bụi đỏ tan đi: “Ôi mối tình đầu, như đi trên cát, bước nhẹ mà sâu, mà cũng nhòa mau”.
Ừ, dù có sâu cỡ nào thì cũng nhòa mau thôi. Tình yêu có khác gì dấu chân trên cát, từng đợt gió qua sẽ thổi phẳng lỳ, không còn dấu vết.
Ông Nguyễn Tất Nhiên thì không đến… 3 năm: “Chỉ chừng một năm qua, là phai mờ hương cũ, hoa úa trong lòng ta”.
Thấy chưa, ông nào cũng khẳng định như vậy hết. Chỉ một năm thôi là hương phai, tình lạt, lửa đượm hóa tro tàn, nồng nhiệt đến mấy rồi cũng nguội lạnh. Mấy ông nhà thơ là mấy người trải nghiệm lê lết chữ tình, nên thơ tình của mấy ổng là sấm truyền.
Ông Trịnh Công Sơn cũng đưa ra khái niệm đối lập một cách buồn rầu giữa hai hình ảnh “khăn mới thêu” và “nắng qua đèo” để nói về thứ tình yêu đã phai màu, đã nhuốm mỏi mệt của nắng chiều uể oải loang trên đèo. Phải, bi kịch tình yêu sẽ diễn ra (và luôn diễn ra) khi bên A lòng còn như khăn mới thêu, còn hân hoan, còn tinh tươm mới rợi, mà bên B đã rệu rã “nắng qua đèo”. Khi con tim đã không còn chung nhịp đập thì hợp đồng tình yêu (hay còn gọi là thề non hẹn biển) chỉ là lời nói gió bay. Hãy quên những lời nói lúc đang yêu của kẻ đang yêu đi hỡi những trái tim non dại tội nghiệp. Và hãy đừng trách tại sao núi chưa mòn non chưa cạn mà lòng người đã đổi thay. Đó là do mấy cái chất quái quỷ drenaline, dopamine, noepinephrine… gì gì đó đã cạn kiệt, chứ không phải do anh ấy, cô ấy muốn thế. “Anh rất tốt, nhưng em rất tiếc…” “Anh rất khổ tâm phải xa em nhưng mà…” Đại loại thế. Có người nói rằng: “Mọi lời hứa trong tình yêu đều chân thành, nhưng nó chỉ có giá trị đúng lúc thốt ra thôi”. Sau đó thì quên đi hen, những nhịp đập khờ dại của những trái tim mỏng manh, xem tình yêu là thánh giáo, người yêu là giáo chủ. Thánh đường xưa đã là quá khứ rồi. Giáo chủ của ta cũng đi làm giáo chủ cho con chiên khác rồi.
Có người sẽ phản biện: vậy nếu tình yêu của ai đó may mắn được trở thành tình cuối, thì sẽ là gắn kết trọn đời, thì “thuyết 3 năm” sai bét. Không, hãy nghe Vũ Thành An hát: “Nếu chúng mình, có thành đôi lứa, chắc gì ta đã, thoát ra đời khổ đau…” Đó, dù cho tình yêu có thành tựu, thì chắc gì ta đã thoát khỏi chữ khổ. Dù cho có mối quan hệ gắn kết, chắc gì tình yêu còn tồn tại. Khi đó, khi đã quá thời hạn “bảo hành tình yêu”, mà “hợp đồng” vẫn còn hiệu lực, thì hoặc là ta biến chuyển tình yêu thành thứ tình gì khác khả dĩ có thể duy trì hợp đồng lâu dài, hoặc là ta cứ mãi loay hoay trong “đời khổ đau” mà thôi.
Điểm qua thơ nhạc của các nhà thơ, nhạc sĩ tui thích, hình như ông nào cũng cùng chung nỗi “bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng” (NTN): “Lòng rừng già mà hoa thì con gái. Tóc dư hương cho thương ngậm ngải tìm trầm”. (Lê Đạt) Bao giờ cũng có kẻ phải tương tư trong tình yêu. Vì thế mà tình yêu luôn luôn chứa điều gì đó xa xót, ngậm ngùi, mãi mãi không viên thành.
Một nhà thơ của thời hiện đại “chuyên trị” thơ tình, cũng có những vần thơ thất tình vừa đẹp vừa bâng khuâng quá thể: “Nhiều khi buồn, đôi khi vui. Ngửa tay hứng nắng ngậm ngùi nhớ mưa. Em về ngang đó hay chưa. Cười lên cổ kính tiếng đùa sớm mai”. (Trương Đình Tuấn). Cái thấp thỏm tương tư, chờ đợi phấp phỏng, đang buồn lại vui, đang hứng nắng lại ngậm ngùi nhớ mưa, và mong chờ một tiếng cười trong trẻo vọng lại từ phương nào xa lắm… là cái cảm giác của người vẫn còn nuôi nấng một chữ tình, còn hy vọng một cái kết đẹp, một tư duy lạc quan của những “chuyên gia yêu” và “chuyên gia thất tình”.
Nhưng mà, cái kết đẹp ấy, biết đâu lại kết liễu một hồn thơ? Từ đó nhà thơ thôi làm thơ, nhạc sĩ thôi viết nhạc, người yêu nhau thôi thất tình nên cũng thôi luôn nhu cầu đọc thơ nghe nhạc. Thế gian khi ấy, chắc tẻ nhạt lắm thay. Không, thế gian này vẫn muôn màu muôn vẻ, tình yêu luôn biến động không ngừng.
Không riêng gì nhà thơ hay nhạc sĩ, nhân loại này, mãi mãi yêu và mãi mãi thất tình: “Em chưa nhỏ lệ từ bi. Tôi chưa gột rửa hết tì vết yêu” (Trương Đình Tuấn).
Thế nên, người với người hãy cứ yêu nhau, và thôi yêu nhau cũng chả sao. Nhưng đau khổ bỏ qua một bên, vì ta đã hiểu ra được rằng, thay đổi là bản chất của tình yêu. Nếu không vẹn tròn chung cuộc được một tình yêu, thì hãy vui rằng ta đã từng có một tình yêu đẹp biết bao, có một thánh đường trang nghiêm biết bao, một đức tin để tôn thờ biết bao. Tình yêu ra đi, là tất yếu, thì “cớ sao em buồn”?
Hiểu tình yêu là thứ bất tín nhất trần đời, để vẫn có thể yêu thật đẹp và vẫn sống thật đẹp, ứng xử với cuộc đời thật đẹp khi tình yêu ra đi.
TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021