ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt qua xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây;
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Những người yêu thơ ai cũng biết bài thơ này là tuyệt tác của Hàn Mặc Tử, nhưng ít ai biết đến đây là bài thơ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh đã làm cho người đẹp là Hoàng Thị Kim Cúc cũng là nhà thơ, có bút hiệu là Hoàng Hoa nữ sĩ.
Đây là mối tình đầu của Hàn Mặc Tử năm thi sĩ mới 20 tuổi và Hoàng Cúc mới 19 tuổi. Là mối tình trong sáng và nên thơ, cũng nhờ nỗi buồn tình đơn phương này mà Hàn Mặc Tử đã sáng tác ra nhiều thi phẩm tuyệt tác để lại cho đời.
Chính “Đôi măt đen nháy đầy thi vị”của nàng thơ, mà nhà thơ chợt thấy ở chợ phiên do Toà Sứ thành phố Qui Nhơn tổ chức năm 1932, đã tạo nên sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử. Trong thư gửi người bạn, thi sĩ còn thú nhận Kim Cúc “là người mà tôi thường gửi linh hồn một bên dầu cách xa ngàn vạn dặm”.
Dạo ấy, Hàn Mặc Tử có bạn thơ là Hoàng Tùng Ngâm, anh em thúc bá với Hoàng Thị Kim Cúc. Cha của Hoàng Cúc làm Giám đốc Sở địa Chính. Trong lần gặp lần đầu tiên, Hàn thi sĩ đã bị hớp hồn ngay trước vẻ đẹp kiêu sa của cô tiểu thư khuê các này. Có lẽ trước khi “say trăng” thì Nguyện Trọng Trí đã bị “say tình” cô gái miền sông Hương núi Ngự, có nhà ở thôn Vỹ Giạ cảnh đẹp nên thơ. Và sau này cũng nhờ nỗi nhớ nhung về người yêu cách trở, Hàn Mặc Tử đã làm cho thôn Vỹ Giạ được nhiều người biết đến qua bài thơ Đây Thôn Vỹ Giạ.
Hàn Mặc Tử còn làm bài thơ Vịnh Hoa Cúc để thổ lộ lòng mình:
“Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa,
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha.
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc,
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta”.
Trong sự nghiệp thi ca của mình, Hàn Mặc tử đã sáng tác rất nhiều bài thơ cho Hoàng Hoa nữ sĩ, cho mối tình đầu khôn nguôi “Chỉ trong giây phút hóa thành thiên thu”.
Qua Hoàng Tùng Ngâm, Hàn Mặc Tử gửi cho Kim Cúc nhiều bài thơ thổ lộ lòng mình. Nhưng Kim Cúc rất nặng về lễ giáo, cô nói với Hoàng Tùng Ngâm là: “Cái ngăn cách lớn nhất của chị không thể nào vượt qua được là vấn đề lương giáo”. Bởi Hàn Mặc Tử là con chiên ngoan đạo, còn Hoàng Hoa lại là Phật tử, đường tình có thuận, mà đường tín ngưỡng lại cách ngăn.
Mối tình với Kim Cúc, như một mối vô vọng với thi sĩ, nhưng vẫn kéo dài khi đầy khi vơi, cho tới tận ngày Hàn mất. Còn riêng với Hoàng Hoa, thì dẫu sau có lập gia thất, vẫn trân trọng mối tình kia, giữ bút tích thi sĩ như kỷ niệm thuở đầu xanh
Năm 1937 Hàn Mạc Tử bị bệnh cùi, một chứng bệnh nan y. Ông đau khổ vì mối tình ôm ấp không được đáp lại, lại đau đớn vì cơn bệnh hành hạ thể xác. Bệnh càng nặng mối tình của Hàn Mạc Tử càng nóng bỏng và thơ của ông càng rung động lòng người đã giúp đưa Hàn Mạc Tử vào bầu trời vinh quang của văn học Việt Nam sau khi ông qua đời.
Bài thơ Hoàng Hoa nữ sĩ đã cảm tác từ bài Đây Thôn Vỹ Giạ của Hàn Mặc Tử:
Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Vẫn biết cách xa ngoài vạn dặm.
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ!
Một mình một cõi với nước mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Lẫy lừng danh tiếng kể từ đây.
Hồn anh lẫn khuất tận mô xa,
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa đời phức tạp ấy
Ai biết tình ai vẫn đậm đà !
Dẫu thi sĩ Hàn Mặc Tử vắn số, và hai người không cùng nhau đi đến cuối con đường tình, nhưng trong tim Hoàng Hoa nữ sĩ, vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về mối tình thơ mộng ấy. Về sau, bà sống đời tu hành nơi thôn Vỹ Dạ của Huế. Nghĩ về bóng dáng người xưa, vẫn còn khắc khoải: “Tiếc quá, phải chi trời để Anh sống thêm mươi năm nữa, tình của Anh càng nhiều, thì thơ của Anh để mô cho hết”.
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021