Cuốn sách này, thoạt trông rất dễ khiến người ta nghĩ về một tác phẩm ngôn tình hay kiểu “thanh xuân vườn trường”; hoặc vì cái nhãn “Nietzsche” trên bìa sách cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến một cuốn triết học khô khan. Hồi trước, khi nhìn thấy Tôi là Nietzsche. Tôi đến đây để gặp em! ở nhà sách, mình cũng đã nghĩ như vậy, và quyết định không mua. Cho đến mới đây, trong số sách được thừa hưởng của người anh sắp sửa chuyển nhà, mình mang thử về đọc theo lời gợi ý của người anh là “Vui lắm”.
Đúng thật nhiều khi chúng ta sẽ rất dễ bị hình thức bên ngoài đánh lừa nếu không “tận mục sở thị” nó. Và cuốn sách này cũng như vậy! Nếu không đọc, sẽ không thấy được cái thú vị mà cuốn sách này mang lại.
Tác phẩm là câu chuyện về Kojima Arisa, thiếu nữ 17 tuổi ở Kyoto, tình cờ gặp gỡ nhà triết học Nietzsche trong dáng vẻ của một chàng trai trẻ. Arisa đang sống trong tâm trạng phiền muộn, vướng vất bởi những câu chuyện không được thuận lợi từ gia đình cũng như từ tình cảm cá nhân. Và Nietzsche xuất hiện để giúp Arisa trở thành “siêu nhân”.
“Siêu nhân” ở đây không phải là có sức mạnh phi thường, dời non lấp bể, không phải có những phép màu thông thiên; mà trở nên mạnh mẽ về tinh thần, kiểu “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, có tư tưởng tự do, không bị các yếu tố xung quanh tác động/chi phối.
Ngoài Nietzsche, Arisa còn được gặp gỡ, trò chuyện và hấp thụ những triết luận của Kierkegaard, Schopenhauer, Hiedegger… những tượng đài triết học vĩ đại của chủ nghĩa hiện sinh. Tất cả cùng hội tụ, cùng giúp cô nữ sinh 17 tuổi trưởng thành hơn rất nhiều.
Tôi là Nietzsche. Tôi đến đây để gặp em! sẽ khiến bạn phải gấp mép rất nhiều vì những câu, những đoạn khiến bạn vỡ oà, đồng cảm, tâm đắc.
Dưới đây là một đoạn như vậy!
“Sống mà không thử thách, sống mà không có ý niệm phê bình hay chỉ trích xung quanh. Nếu từ tận sâu trong trái tim muốn như vậy thì đúng là cũng không sao. Tuy nhiên, với cách sống như thế, liệu có thể có được cảm giác thỏa mãn từ tận sâu trong trái tim không?
Tôi nghĩ như thế này. Dù những khổ sở có lặp đi lặp lại, hãy cứ không ngừng phá đi vỏ bọc của bản thân, tiếp tục thử thách chính mình. Chẳng phải có một loại hạnh phúc chỉ có được khi con người làm những việc như vậy hay sao? Và chính niềm hạnh phúc có được lúc ấy mới là niềm hạnh phúc tột bậc”. (Trích ” Tôi là Nietzsche. Tôi đến đây để gặp em! “)
Hồ Huy Sơn
- Claude Monet – thế giới diệu kỳ của ánh sáng - 25 Tháng Tư, 2021
- Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi… - 22 Tháng Tư, 2021
- Ăn để nhớ – nỗi nhớ qua những món ăn quê nhà - 20 Tháng Tư, 2021