Review sách

Về “Miền Xanh Thẳm” của Trần Hoài Dương

Tôi biết đến nhà văn Trần Hoài Dương ngày tôi vừa biết đọc, qua những truyện ngắn trong trẻo như áng mây trời, đẹp đẽ như cánh chim thiên đường, nên thơ như khung cảnh đồng quê trong “Con đường nhỏ”, hóm hỉnh đáng yêu như chú Ếch Cốm, xinh xắn và nhân hậu như Bé Rơm… (Từ tập truyện Những Ngôi Sao Trong Mưa – Trần Hoài Dương). Nhưng cho đến khi mở từng trang sách để về “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương, tôi mới khám phá ra nội tâm sâu thẳm của nhà văn, người đã dốc hết lòng mình chuyên chú viết những con chữ, những câu chuyện vô cùng đẹp đẽ, dịu dàng và tử tế đến như vậy cho thiếu nhi.

Tôi bùi ngùi nghĩ, cuộc sống tuổi thơ nghèo khổ, vất vả không hề hấn gì tới tấm lòng trong sáng nhất mực của ông, nhất mực dành cho các em thiếu nhi những gì dịu ngọt và trong ngần, những ước mơ cao khiết, những tưởng tượng trong veo và tươi sáng, dù tuổi thơ ông có lầm lụi như thế nào. Như chim sơn ca chắt lọc tinh tuý từ sương gió, từ nắng mưa, từ bão tố vần vũ hay bầu trời xanh bao la để tạo nên giọng hót tuyệt diệu nhất mà dành tặng cho nhân gian.

Thiện – một chú bé nhân hậu, nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn, chính là hình ảnh của nhà văn ngày nhỏ. Nhân vật ấy quá đỗi trong sáng và lương thiện tới mức khác thường, không như hình ảnh đời thường là cậu bé Bảo nghịch ngợm đúng chất trẻ con. Nhưng tôi tin rằng, có một chú bé Thiện như thế trên đời, luôn luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình, tốt bụng và thật thà, không bao giờ làm điều gì sai quấy. Hình ảnh cậu bé đi nhặt hết truyền đơn nhưng không hé ra xem một chữ như lời dặn của chị, làm tôi nhớ tới mình ngày nhỏ, thật thà đến mức đi ngang khu vườn hoang, có cây ổi trái chín mà cũng không dám hái, vì nó không phải là của mình.

Nên tôi tin chắc chắn rằng, nhân vật Thiện là vô cùng thật, là một tâm hồn trẻ con ngây thơ, tốt lành, nghiêm cẩn tin vào những giá trị của cuộc sống.

Cậu bé hiền lành, có phần nhút nhát ấy, lại dám táo gan làm những việc nguy hiểm để đỡ cho người anh thân thương của mình, đến nỗi suýt chút nữa thì mất mạng. Cậu bé với trái tim nhiệt huyết, say mê những hình tượng anh hùng lý tưởng, kiên trì làm những việc mình quá yêu, như là cặm cụi chép tay hết 300 trang sách truyện bằng tiếng Pháp, thứ chữ mà cậu chỉ biết bập bõm, nghe loáng thoáng. Đó chính là nội lực mạnh mẽ bên trong của cậu bé nhỏ, cũng chính là hình ảnh thơ ấu kiên khổ của một nhà văn. Nhà văn Trần Hoài Dương đã truyền cảm hứng to lớn cho người đọc từ hình ảnh cậu bé bề ngoài yếu ớt nhưng bên trong mang sức sống mãnh liệt, tình yêu mãnh liệt với con người và cuộc sống, với những gì mình đam mê yêu thích.

Ở “miền xanh thẳm” ấy, mỗi con người là một ngọn lửa yêu thương. Anh Nhu, anh Hoàng thương yêu Thiện, Bảo như em ruột thịt. Các thầy cô luôn bảo bọc cho những đứa học trò bé nhỏ, dù có phạm lỗi lầm cũng luôn được chở che, vì những đứa trẻ nghèo khó ấy hiền hậu và lương thiện quá đỗi. Cả tập thể ấy như một gia đình nhỏ mà người này dành cho người kia tình thương không toan tính. Đó là hiện thực cuộc sống thời thơ ấu mà nhà văn may mắn có được khi sống xa gia đình, hay chính vì bản chất nhân hậu của nhà văn không nhìn thấy gì khác ngoài yêu và thương, ngoài những nghĩa cử và tấm tình giữa người và người dành cho nhau.

Và đâu chỉ người với người, tôi bật cười khi đọc tới đoạn Thiện len lén đuổi đám ếch đi để Bảo không bắt được, hay giục cậu bạn thôi bắt cá để về nhà, tha bổng cho những chú cá rô đang quăng mình theo dòng nước trong cơn mưa. Một cậu bé Thiện như thế, chắc chắn phải trở thành một nhà văn Trần Hoài Dương luôn tha thiết viết về thiên nhiên, với bàn tay những bé con luôn nương nhẹ với cây cỏ, với loài vật quanh mình. 

Và dù miền xanh thẳm kể về hành trình thơ ấu cơ cực của Thiện, vẫn không thể nào thiếu những đoạn văn miêu tả thiên nhiên thật đẹp, với chất giọng lãng mạn và nên thơ đặc biệt của nhà văn. Đó là đoạn Thiện sống ở quê, chăn trâu kiếm củi, rồi nằm lăn trên bãi cỏ, hay rong ruổi lưng trâu say sưa hát khúc ca trữ tình về quê hương: Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ. Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ới chiều!”…  “Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai… ới chiều. Hay tự hào quá đỗi khi ngân nga: “Nhớ ai qua mấy đồi Yên Thế…” bởi chính mình đang ở trên đồi Yên Thế, lang thang cùng tuổi thơ tươi đẹp.

Đây chính  là một đoạn văn tươi đẹp ấy ông viết về vùng quê nơi ông trải qua những ngày tản cư:

“Tôi yêu biết bao cảnh miền trung du vào những ngày cuối thu. Trời đầy mây xám nhạt. Mây phẳng lỳ, không gian thoáng đãng trong suốt, một cảnh vật ở xa tít tắp cũng hiện lên rõ mồn một. Trời se lạnh. Những ngọn đồi thoai thoải, ngọn nọ gối lên phần cuối của ngọn kia ưng ửng màu vàng chanh của lá, của cỏ đang dần cạn nhựa, se sắt lại. Cỏ lơ phơ càng hiện rõ những lối mòn lạo xạo son đỏ quanh co ẩn hiện trên triền đồi. Lối mòn giống người bạn nhỏ nghịch ngợm vui tính rủ rê bọn trẻ chúng tôi len lỏi vào giữa những bụi sim mua, những đám bòng bong, ràng ràng rậm rì, những cây khế rừng lúc lỉu những chùm quả chát chát chua chua, những cây mâm xôi chi chít quả đỏ chót ngọt lịm, những cây chua me dại quả tròn xoe, xanh trong như ngọc, mới ăn thì chát nhưng sau vị ngọt cứ đậm dần, thấm mãi nơi cổ họng. Trời đất hào phóng bày ra cơ man nào là hoa quả mời mọc, chiêu đãi chúng tôi, những đứa trẻ lăn lóc suốt ngày trên các bờ bãi…”

Thật là một tuổi thơ giàu có biết bao nhiêu.

Trần Hoài Dương dường như dùng bút màu để viết văn, một cây bút màu diệu kỳ và lạ lùng nào đó, mà nét bút vẽ lên trên nền trời khung cảnh một sắc màu thanh cao, trong vắt và vô cùng sống động. Những bức tranh thiên nhiên trong trang viết của ông vì thế mà đầy xúc cảm và đẹp lạ thường. 

Như một đoạn văn ông viết về Hà Nội, nơi từ đó cậu bé Thiện xa gia đình về vùng trung du Bắc Giang trọ học. Tôi tìm thấy ở đó một mối rung cảm sâu sắc của cậu bé với bờ cây ven con đường quen thuộc thuở nhỏ. Với nhiều người đó chỉ là một hàng cây lá vàng lá đỏ, đang mùa trút lá xao xác mà thôi. Nhưng với Thiện, cậu mải mê ngắm hàng cây, tim thầm lặng rung lên với từng đợt lá trút, với từng màu sắc khác biệt, với vòm cây đẹp mờ ảo, với cả từng “búi cây ổ gà”… mà phải yêu, mến thích lắm mới quan sát tỉ mỉ thế.

 

Vì hàng cây đẹp sững sờ ấy mà Thiện, một tâm hồn nhỏ tuổi nhạy cảm với thiên nhiên, đã quyết định hoãn giờ lên tàu lại, dành trọn một buổi để lang thang ngắm nhìn.

Và đây là đoạn văn đẹp đẽ và tinh tế ấy:

“Vừa ngoặt qua đường Lý Thường Kiệt, tôi sững sờ trước hai bờ cây óng vàng. Gió nhè nhẹ thổi. Tiếng lá xào xạc, hơi khô và sắc chứ không mềm mượt như dạo mùa xuân lá non. Thỉnh thoảng một làn gió mạnh lướt qua, lá cuốn bay lên, chung chiêng chao lượn mãi mới chịu rơi xuống lả tả. Xen kẽ những vòm vàng rực là một vài cây đã rũ hết lá. Đó là những cây nhạy cảm với thời tiết, lá vàng sớm và rụng sớm. Những cây này có một vẻ đẹp riêng. Nổi lên trên nền trời xám nhạt mây phẳng lỳ là những cành cây trơ trụi mà hung nâu. Cành cây cơm nguội mảnh dẻ, li ti lăn tăn nhiều nhánh nhỏ nên khi lá vàng rụng hết, vòm cây lại có một vẻ đẹp mờ ảo, mông lung như khói. Đây đó, trên một vài cành trơ trụi còn để lộ ra những búi cây ổ gà lá xanh đậm, trông xa ngỡ như tổ chim. Cái giống cây cơm nguội này đẹp cả bốn mùa. Mùa thu, mùa đông thì thế. Mùa xuân thì đẹp một cách nõn nà. Các nhánh cành trơ trụi suốt cả mùa đông, đến khi có mưa xuân rỉ rả thấm đẫm đất đai, đầm đìa cây cỏ, các cành cây ẩm ướt thẫm đen lại, từ các nách lá cũ bắt đầu trồi ra các nanh mầm xanh sáng bé xíu. Chỉ vài ba ngày sau, các nanh mầm nở bung ra thành những chồi non bụ bẫm. Cả bờ cây phảng phất một màu xanh mơ hồ, như có như không, như mơ như thực. Rồi màu xanh hiện hình dần lên trong làn mưa bụi, nõn nà như ngọc, xanh mướt màu cốm non. Thật là hạnh phúc được đi dưới những vòm lá non ấy, nghe tiếng lá lay động một cách dịu dàng.”

Đến đây thì người đọc nào mà tim không rung lên theo cái lay động dịu dàng đó của lá, theo ánh mắt trong trẻo đang ngước nhìn vòm cây, với hình ảnh những mầm lá xanh nõn như ngọc trong làn mưa bụi lất phất? Cách miêu tả của nhà văn đặc biệt gây tương tư vô kể cho độc giả, và làm trỗi lên lòng yêu thiết tha với cây cỏ quanh mình. Cảm giác như hàng cây kia cũng đang thì thầm với người chiêm ngắm, bày tỏ những yêu thương dịu dàng. Như bầy lá kia đang xao xác lưu luyến bờ cây và bầu trời, cố bay lên một lần sau cuối để chào tạm biệt. 

Tôi đã từng say sưa với vòm lá non trong truyện ngắn “Lá non” của nhà văn Trần Hoài Dương. Cả hàng cây cơm nguội cũng  gợi nhớ tới hình ảnh cây gạo bốn mùa biến đổi trong “Đàn chim sẻ”, hay những đợt lá cuốn bay lên rồi rơi lả tả gợi nhớ cách ông miêu tả tỉ mỉ những cây sồi ở rừng trong truyện “Quà tặng của chim non”. Dường như, những hình ảnh đẹp của thiên nhiên luôn cuốn hút ông say mê và không thể nào không miêu tả lại một cách đầy đủ vẻ đẹp huyền diệu của nó. Chính niềm say mê và cách kể đầy cảm xúc của ông đã khiến độc giả được mãn nhãn trước bức tranh sống động và khắc sâu vào lòng tình yêu thiên nhiên mà ông luôn chất chứa.

“Miền xanh thẳm” là một vùng trời đầy yêu thương trong ký ức cậu bé Thiện, hay chính là nhà văn Trần Hoài Dương. Đó là ký ức tuổi thơ tươi đẹp, trong ngần, mãi tươi nguyên qua lăng kính của một tâm hồn nhạy cảm và đầy yêu thương. Nhà văn đã yêu quý và luyến nhớ biết mấy những người thân yêu, những cảnh sắc thân quen trong ký ức đó, nên “Miền xanh thẳm” tràn đầy nỗi bâng khuâng, thương nhớ không nguôi.

9 năm nhà văn Trần Hoài Dương về miền xanh thẳm, những gì ông để lại là một vòm lá non. 

Phải rồi, một vòm lá xanh non trong suốt, một màu xanh mơ màng dịu nhẹ, một mảng ký ức tươi nguyên không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người thân quen thương mến ông, về một tấm tình yêu thương trân trọng và những rung cảm sâu sắc mà ông đã dành trọn vẹn cho đời sống này.

Và tôi, “thật là hạnh phúc được đi dưới vòm lá non ấy, nghe tiếng lá lay động một cách dịu dàng.”

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN

Nguồn: sachhay.vn

Bản quyền bài viết thuộc trang sachhay.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi copy bài viết. Xin cảm ơn.

Trả lời