Tùy bút

Võ Hồng, lá vẫn xanh

Con đường đến trường là con đường hoa mộng nhất. Thời đi học của tôi, đường Trần Hưng Đạo có hai hàng khuynh diệp luôn xòe tán xanh ngát tuổi học trò. Thú vị hơn là trên con đường này còn có một tiệm cho thuê sách nhỏ nằm khiêm nhường gần Cống Kiểu

Khác với tiệm cho thuê sách Minh Hồng lớn nhất thị xã trên đường Ngô Quyền lúc nào cũng ồn ã khách khứa dập dìu. Tiệm cho thuê sách này không có bảng hiệu, không có sách chưởng và kiếm hiệp, chỉ toàn sách văn học và tiểu thuyết hiện đại. Chủ tiệm là một cô người Huế đứng tuổi mang kính cận lúc nào cũng thấy cặm cụi trên trang sách, Có lẽ là cô mê sách quá hay sao nên đến tuổi về hưu mở tiệm cho thuê sách để suốt ngày gần gụi với sách?

“Chỉ cần nhìn tủ sách là đoán được chủ nhân là người như thế nào” Sau này tôi mới biết cô chủ tiệm là cô giáo đã từng dạy văn ở trường Nữ Trung Học

Và cũng từ tiệm cho thuê sách đặc biệt này, tôi đọc được nhiều sách của các nhà văn hiện đại, trong đó đọc nhiều nhất là tác phẩm nhà văn Võ Hồng.

Văn của Võ Hồng trong sáng và điềm đạm như thiên chức dạy học của ông. Tôi cảm động trước tấm chân tình của từng nhân vật trong tập truyện Lá Vẫn Xanh, và từ đó bị cuốn hút say mê đọc tiếp những tác phẩm khác.

Tôi đọc vội vã vì thời gian là… vàng bạc, ngày thuê sách trôi qua nhanh lắm đối với thư sinh nghèo nhịn tiền ăn sáng để thuê sách đọc.

Thói quen đọc “nhảy cóc” đọc phớt qua của tôi đã bị chựng lại vì câu chuyện hay và đẹp quá trong truyện ngắn Xuất Hành Đầu Năm: Tôi cảm động theo từng tình tiết và đọc chậm lại từng câu chữ. Câu chuyện kể về Giang, một người đàn ông góa vợ, ngày đầu năm mới chọn hướng xuất hành cho mình cùng với các con là lên viếng mộ vợ. Buổi sớm mai đầu năm trước mộ phần của bạn đời, chàng cúi đầu xuống nói với vợ: “Em ơi, hôm nay anh đưa con đến mộ thăm em. Ba đứa con em giao lại cho anh đã lớn từng ấy đó”

Câu nói đó như đọng lại, tóm hết tình ý nội dung của cốt truyện, tôi đọc mà vừa thương xót tình uyên ương gãy cánh vừa cảm phục lòng chung thủy của Giang, nhân vật ở trong truyện và cũng là Võ Hồng ở ngoài đời.

Một truyện ngắn đầy tình người đã làm rung động rung cảm lòng người!

Những tác phẩm của ông đã truyền tải được nguyện vọng của mình là làm sao để cho các thế hệ sau đọc được biết được đời sống xã hội của nhà văn đang sống. Văn của ông chan chứa tình tự quê hương và truyền tải chân thực tình yêu con người.

Có nhà văn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc chuyên viết về miền Nam Kỳ Lục Tỉnh thì có nhà văn Võ Hồng bằng ngòi bút của mình đã đưa vào văn học được bối cảnh và cuộc sống có bản sắc riêng của miền Nam Trung Bộ.

Trong các tác phẩm của Võ Hồng, ông thường xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp của phụ nữ Việt Nam, mà nguyên mẫu ở ngoài đời chưa chắc gì chúng ta dễ gặp được. Ông đã đưa từng nhân vật nữ vào ý niệm “chân thiện mỹ” để chúng ta từ nhận thức mà ước mơ tìm lối sống giản dị, đẹp đẽ hơn với cuộc đời. Ông đã lấy nguyên mẫu cho các nhân vật nữ này từ người bạn đời đã mất sớm của mình, vợ ông đã hóa thân nhân vật Quì trong tác phẩm Hoa Bươm Bướm và trong nhiều truyện ngắn khác

“Mưa dầm thấm đất” Đọc nhiều sách của Võ Hồng, tự lúc nào trong tôi đã ngấm ngầm hình thành nên một nhân cách từ nhà giáo mẫu mực, từ ý văn đầy tình giáo dục của nhà văn. Một Giang chung tình trong truyện Xuất Hành Năm Mới và một người cha tự trách mình trong truyện Lời Sám Hối Của Cha, ý thức làm người đã ngấm ngầm thôi thúc độc giả từ những trang viết đầy tính nhân văn của nhà văn nhà giáo Võ Hồng.

Võ Hồng sinh ngày 5- 5- 1921 tại làng Ngân Sơn huyện Tuy An tỉnh Phú Yên, ông mất năm 2013 tại nhà riêng ở Nha Trang, để lại cho đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, chưa kể những tập bút ký, tùy bút và các bài phê bình, khảo cứu…

Người ta gọi ông là nhà văn lớn của Việt Nam. Riêng tôi, ngoài lòng ngưỡng mộ tài văn đối với Võ Hồng, tôi còn gọi ông là Thầy dù tôi chưa học ông được một ngày nào ở ngoài đời. Vì những tác phẩm của ông đã gieo cho tôi những ý -niệm- làm- người từ thuở mới còn là học trò, khi còn say mê từng trang sách cũ cho thuê trên đường Trần Hưng Đạo, có những quyển sách có tựa đề tuyệt đẹp như Lá Vẫn Xanh, Hoa Bươm Bướm, Hoài Cố Nhân, Trầm Mặc Cây Rừng… của nhà văn Xứ Trầm Hương, Xứ Thùy Dương Cát Trắng đi mãi với độc giả theo từng dâu bể cuộc đời.

Nhà văn đã bất tử trong từng trang sách, như Lá Vẫn Xanh!

TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN

Trả lời